Bảo vệ môi trường biển từ mô hình “Tổ bảo vệ cộng đồng”

Những năm trở lại đây, trước thực trạng khai thác theo hình thức tận diệt cùng với môi trường biển bị ô nhiễm nên nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng khan hiếm. Để hạn chế tình trạng này, suốt 12 năm qua, nhiều ngư dân trên địa bàn quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã thay phiên nhau, tình nguyện tham gia mô hình “Tổ bảo vệ cộng đồng”.

Các thành viên tuyên truyền cho chủ tàu, khách du lịch nắm được các hoạt động bị cấm tại vùng bảo vệ, cung cấp hình ảnh tư liệu để cơ quan chức năng xử lý nếu tái diễn
Các thành viên tuyên truyền cho chủ tàu, khách du lịch nắm được các hoạt động bị cấm tại vùng bảo vệ, cung cấp hình ảnh tư liệu để cơ quan chức năng xử lý nếu tái diễn

Vốn là ngư dân làng chài gắn liền tại vùng biển Thọ Quang, 12 năm nay, ông Trần Tín, một thành viên tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản vừa đánh bắt vừa nhắc nhở bà con ngư dân, không nên khai thác theo cách giã cào, tận diệt... Khi phát hiện trường hợp vi phạm, ông và các đồng đội sẽ cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng xử lý. Mặc dù phức tạp nhưng tất cả các thành viên đều tự nguyện tham gia và dành nhiều tâm huyết cho công việc này.

Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Thọ Quang từ 2008 cho đến nay đã báo cho các cơ quan chức năng trên 115 vụ việc và tuyên truyền phát 1.300 tờ rơi 
“Cứ ai rảnh ban ngày thì đi ban ngày ai rảnh ban đêm thì đi ban đêm và phối hợp với nhau. Đôi khi thời gian rất bận nhưng 12 giờ tối có sự cố vẫn một mình chạy đến mặc dù đường phố lúc đó đã vắng vẻ”, ông Tín chia sẻ.

Không những thế, tranh thủ thời gian nghỉ cuối tuần, tổ chia thành nhiều nhóm nhỏ, tuyên truyền cho chủ phương tiện và khách du lịch nắm được quy định bảo vệ nguồn lợi san hô khi hoạt động lặn ngắm san hô tại các bãi du lịch.

Tổ bảo vệ cộng đồng tại phường Thọ Quang được xem là tổ đội lâu năm nhất với 21 thành viên
Được biết, Đà Nẵng là một địa phương có thế mạnh về du lịch biển vì vậy mà các hoạt động dịch vụ du lịch như đưa du khách lặn ngắm san hô, cano lướt sóng diễn ra rầm rộ. Điều đáng nói là các bãi san hô ở khu vực này chỉ cách mặt nước từ 3–4m.

Theo ông Trương Hoài Hưng, thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, sự vô ý của người làm du lịch không chính thống hoặc khách du lịch trực tiếp đạp, bẻ san hô hoặc tàu chở khách đi câu neo đậu gần bãi là nguyên nhân kiến san hô chết, gãy rất nhiều.

Vì vậy xuất phát từ tình yêu với nơi mình sinh sống, làm việc mà từng thành viên trong tổ, có người đã ngoài tám mươi vẫn tiếp tục bám trụ. Với họ tham gia vào hoạt động của tổ bảo vệ chính là được cống hiến, góp phần bảo vệ và phát triển hệ sinh thái biển, là động lực để họ cố gắng từng ngày.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài, người dân vừa khai thác nhưng cũng là người có nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên nơi đây
“Nếu rạn san hô mất đi thì con cá, con tôm, môi trường sinh thái sẽ không quay về như nguyên thủy được nữa. Những người dân như chúng tôi sẽ không còn cái để sinh kế bởi đa số các thành viên trong tổ đều là những ngư dân hoặc là những người dân làm dịch vụ gần bờ”, ông Từ Văn Sáu, tổ phó Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng giải thích.

Theo báo cáo của Chi cục thủy sản - Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, sau 12 năm hoạt động, 4 tổ bảo vệ cộng đồng đã tố giác gần 300 vụ việc, phát hơn 2.000 tờ rơi tuyên truyền. Nhiệm vụ của tổ, ngoài tuyên truyền cho chủ tàu, khách du lịch nắm được các hoạt động bị cấm tại vùng bảo vệ; các thành viên vừa tham gia khai thác vừa quan sát những tàu cá có biểu hiện đánh bắt theo hình thức tận diệt sẽ tiến hành nhắc nhở, kịp thời cung cấp thông tin để đơn vị chức năng xử lý.

Ông Đặng Duy Hải, Chi cục phó Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng nhìn nhận, mô hình thể hiện xu thế quản lý hiện nay, việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ dựa vào cộng đồng là chính.

“Cơ quan chức năng, quản lý là người đi song hành với ngư dân, cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản. Chính người dân khai thác ven bờ thì họ cũng sẽ là người bảo vệ nguồn lợi để phục vụ lâu dài cho chính đời sống của họ”, ông Hải nói.

Tuy vậy, ông Đặng Duy Hải cho hay, các hoạt động của tổ đội còn gặp nhiều khó khăn như: nhiều hoạt động phát triển du lịch, đánh bắt thủy sản quá mức gây hủy hại nặng nề đến tài nguyên biển; kinh phí duy trì hoạt động vẫn còn hạn chế; việc bán đảo Sơn Trà chưa có bảo tồn nên việc khoanh vùng để bảo vệ vẫn còn hạn chế;….

Các hoạt động đánh bắt của ngư dân Thọ Quang đều diễn ra hằng ngày
Mặt khác, song song với việc phát huy vai trò ngư dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngành thủy sản thành phố còn khuyến khích ngư dân đóng tàu với công suất lớn để vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương và phát triển kinh tế. Đồng thời, cùng ngư dân thả con giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Tin cùng chuyên mục