Bảo tồn văn hóa bản địa thời Covid-19

Tù trưởng Lawrence Wetsit nhớ những ngày mà hàng trăm dân làng trong bộ tộc của ông tụ tập và hát vang những bài hát mà tất cả trẻ em bộ tộc Assiniboine đều thuộc lòng. 
Khẩu trang có dòng chữ “Crow Nation” của bộ tộc Crow nhắc nhở bảo tồn văn hóa bộ tộc
Khẩu trang có dòng chữ “Crow Nation” của bộ tộc Crow nhắc nhở bảo tồn văn hóa bộ tộc

Những cuộc tụ họp mang tính nghi lễ như vậy đã không diễn ra trong năm qua do các cộng đồng người Mỹ bản địa bị cô lập để bảo vệ những người lớn tuổi trong đại dịch Covid-19, nhất là khi có những thống kê cho rằng, người Mỹ bản địa có nguy cơ tử vong cao gần gấp đôi so với người da trắng. Tù trưởng Lawrence Wetsit cho biết, trong tháng 10 và tháng 11-2020, trung bình mỗi ngày bộ tộc của ông mất đi một người vì căn bệnh này.

Những cái chết này có sức tàn phá gấp đôi đối với các cộng đồng bản địa. Việc phong tỏa cộng với sự ra đi của người cao tuổi sẽ làm tổn hại vĩnh viễn nguồn chia sẻ kiến thức truyền thống và lịch sử truyền miệng của các bộ tộc. Nó giống như một số trang trong sách giáo khoa bị xé mất.

Với nỗi lo lắng đó, các nhóm truyền thông xã hội đã cung cấp một số nền tảng để người bản địa tiếp tục chia sẻ và lan tỏa nền văn hóa của họ, bất chấp những hạn chế về khoảng cách địa lý. Một nhóm trên Facebook, được gọi là Social Distance Powwow, đã giúp các thành viên bản địa kết nối thông qua việc chia sẻ các video về đánh trống, khiêu vũ và các truyền thống khác. Powwow là một lễ hội của người thổ dân da đỏ, bao gồm nhiều hoạt động âm nhạc, văn hóa, nghệ thuật. Kể từ khi thành lập vào tháng 3-2020, nhóm đã quy tụ được hơn 227.000 thành viên.

Đối với các thành viên không được rời khỏi khu vực cách ly biệt lập, nhóm Dan Simonds giúp họ lần đầu được nhìn thấy nhà cửa và khám phá truyền thống của các bộ lạc khác qua các video trên nền tảng trực tuyến. Trong số các sự kiện văn hóa nghệ thuật truyền thống, người bản địa đã chứng kiến trên mạng Instagram sự trỗi dậy của điệu múa truyền thống của người bộ tộc Ojibwe thường được biểu diễn bởi các nhóm phụ nữ mặc váy có trang trí những chiếc chuông kim loại leng keng. Điệu múa đã được cộng đồng mạng cổ vũ nhiệt tình.

Bà Brenda Child, nhà sử học bộ tộc Ojibwe tại Đại học Minnesota, cho biết theo đức tin của bộ lạc, hầu hết phụ nữ và các cô gái trẻ nhận thức được rằng điệu múa đó là một truyền thống chữa bệnh. Truyền thuyết cho rằng, điệu múa váy leng keng xuất hiện trong đại dịch cúm năm 1918 khi một người cha có cô con gái nhỏ bị bệnh mơ về một điệu múa chữa bệnh. Cô gái nhỏ đã bình phục và sau đó trở thành một trong những vũ công váy leng keng đầu tiên. Theo bà Child, truyền thống ăn mặc leng keng, hay tiếng lục lạc xủng xẻng gây được tiếng vang vì nó được cho là có tác dụng chữa lành cả cơ thể và tâm trí trong thời điểm nỗi sợ hãi và đau buồn tràn lan. Mạng xã hội cũng giúp bộ tộc Navajo làm các video hướng dẫn về các thực hành xén lông cừu và thu hoạch cây thuốc truyền thống của người Navajo.

Thủ lĩnh các bộ tộc ý thức rằng, những nỗ lực của họ là để đảm bảo nền văn hóa bản địa tiếp tục tồn tại và giúp người bản địa tránh chìm vào trầm cảm. Mặc dù vậy, theo CNN, vẫn có một số truyền thống, nghi thức quá thiêng liêng rất khó để chia sẻ trực tuyến, đặc biệt là những truyền thống dựa vào những câu chuyện truyền miệng do những người cao tuổi kể lại. Nhiều bộ lạc cấm các thành viên kể lại hoặc thậm chí viết ra một số nghi lễ, biểu tượng đề phòng nguy cơ bị chiếm đoạt văn hóa. Nhiều ngôn ngữ bản địa có nguy cơ biến mất vĩnh viễn vì những người sử dụng thường là người cao tuổi và ngày một yếu đi.

Tin cùng chuyên mục