Bảo tồn nghệ thuật hát lý của người Cơ Tu

Sau gần 5 năm, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam được Bộ VH -TT-DL công nhận là di sản phi vật thể quốc gia (năm 2015).

Tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động đội ngũ trí thức, già làng, trưởng bản, các nghệ nhân dân gian người Cơ Tu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo này gắn với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội vùng miền núi.
Cũng giống như nhiều nghệ thuật truyền thống khác, nói lý, hát lý ngày nay đang đứng trước nguy cơ mai một trong đời sống hiện đại vì lớp trẻ hoạ tiếng Việt nhiều hơn tiếng mẹ đẻ
Người Cơ Tu chủ yếu sống tập trung ở huyện Tây Giang, Đông Giang và 6 xã ở huyện Nam Giang của người xứ Quảng. Tập quán nói lý, hát lý trong cộng đồng người Cơ Tu đã có từ lâu đời. Người Cơ Tu thường nói lý, hát lý với nhau như một cách chuyện trò thú vị để chuyển tải tâm tình, cách ứng xử với nhau trong đời sống, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng ở nhà Gươl.

Cũng giống như nhiều nghệ thuật truyền thống khác, nói lý, hát lý ngày nay đang đứng trước nguy cơ mai một trong đời sống hiện đại. Lớp trẻ lớn lên học tiếng Việt nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, chưa kể đây là môn nghệ thuật không phải người Cơ Tu nào cũng có thể hát được, nói được. Do đó, việc bảo tồn nói lý, hát lý của dân tộc Cơ Tu là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Bảo tồn nghệ thuật hát lý của người Cơ Tu ảnh 2 Người Cơ Tu thường nói lý, hát lý với nhau như một cách chuyện trò thú vị để chuyển tải tâm tình, cách ứng xử với nhau trong đời sống sinh hoạt
Để bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa đồng bào Cơ Tu, trong đó có nghệ thuật nói lý, hát lý, những năm gần đây, các cấp các ngành, địa phương tỉnh Quảng Nam không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đồng bào Cơ Tu thông qua các hoạt động mở lớp dạy nói lý, hát lý cho thanh niên đồng bào Cơ Tu.

Theo bà ATing Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, hát lý, nói lý là phong tục tập quán chung của người Cơ Tu thường diễn ra trong đám hỏi con, đám cưới hoặc các lễ hội văn hóa, đó là một nghệ thuật rất hay. Một kiểu nghệ thuật không có bài viết sẵn, nó như một câu nói đối đáp giữa hai người, nhưng qua những câu từ ẩn dụ so sánh không phải là nói thẳng. Nhiều bài nói lý, hát lý hay được truyền khẩu từ đời này sang đời khác và biến tấu cho phù hợp với hoàn cảnh nói lý, hát lý.

Bảo tồn nghệ thuật hát lý của người Cơ Tu ảnh 3 Một khung cảnh sinh hoạt hát lý, nói lý của người Cơ Tu
Ngoài mở các lớp dạy hát lý, nói lý, tỉnh Quảng Nam còn tổ chức các câu lạc bộ hát lý, nói lý trong các trường THCS trên địa bàn. Mới đây, huyện Đông Giang đã mở lớp dạy nói lý, hát lý cho 20 học viên là thanh niên dân tộc Cơ Tu ở xã Arooih và xã Ba. Lớp học nói lý, hát lý Cơ Tu được đưa vào tổ chức giảng dạy một cách bài bản. Học viên sẽ biết và nghe được hát lý, nói lý để về hướng dẫn lại cho người trong làng.

Chị ALăng Thị Tươi thôn Tàlâu, xã Ba chia sẻ, chị tham gia lớp học, không những hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu mà còn biết cách sử dụng nghệ thuật nói lý, hát lý vào những dịp phù hợp. Nếu không đi học hoặc không nghe các già làng giảng dạy chỉ bảo thì không thể nào biết được.

Thời gian tới, Huyện Đông Giang sẽ tổ chức thêm các lớp học cho đồng bào Cơ Tu sinh sống trên địa bàn để ai cũng có thể hiểu và vận dụng loại hình nghệ thuật này vào trong cuộc sống sinh hoạt.

Bảo tồn nghệ thuật hát lý của người Cơ Tu ảnh 4 Sinh hoạt trong nhà Gươl, các già làng, trưởng bản cũng thường hát lý, nói lý với nhau 
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nhấn mạnh, sau khi kết thúc khóa học, huyện sẽ vận động các thôn, xã đưa nói lý, hát lý vào trong các buổi sinh hoạt thường kỳ tại địa phương. Nội dung sẽ tập trung vào việc tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, cùng nhau xây dựng nông thôn mới; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tảo hôn…
Ngoài ra, thông qua lớp truyền dạy nói lý, hát lý nhằm tuyên truyền sâu rộng đến người dân về bảo tồn, giữ gìn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, bản sắc của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc lưu truyền và kế thừa để các thế hệ người dân tộc Cơ Tu biết sử dụng, phát huy giá trị của hát lý, nói lý trong đời sống, góp phần làm cho đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu ngày càng tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục