Bảo tàng tìm cách vượt khó

Không chỉ gần đây chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mà hoạt động bảo tàng trước giờ vốn dĩ là một nốt trầm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Cân bằng hoạt động chuyên môn và các hoạt động bên lề để thu hút khách, tạo thêm nguồn thu là một vấn đề mà các bảo tàng hiện nay trăn trở, khi xoay hướng nào cũng vướng… khó khăn.

Trăn trở nguồn thu phụ

Khác với những bảo tàng tư nhân, doanh thu là câu chuyện “sống còn”, bảo tàng công lập tuy được hỗ trợ kinh phí nhưng tình trạng “vắng như bảo tàng”, không mấy khách tới lui đã khiến nhiều nơi phải xoay trở thêm các hoạt động ngoài lề để tăng nguồn thu.

Mở cửa tham quan tự do, không thu phí, nhưng một số bảo tàng ở TPHCM chỉ thật sự nhộn nhịp khi không gian dựng thêm cổng rạp, bàn tiệc… Hiện vật trưng bày lác đác, không mấy hấp dẫn, nhưng được vị trí mặt tiền đẹp và thuận tiện, một bảo tàng trên đường Lê Duẩn (quận 1) liên kết với nhà hàng tiệc cưới để tận dụng mặt bằng.

Một bảo tàng khác ở đường Võ Thị Sáu (quận 3) cũng tương tự, không bán vé và không mấy khách tới lui, nhiều tầng trưng bày cũng chỉ có hiện vật im lìm trong tủ kính, hoàn toàn không có thuyết minh viên. Để có thêm nguồn thu, bảo tàng cũng tận dụng lợi thế về không gian rộng, thoáng cho nhà hàng tiệc cưới thuê từ rất nhiều năm nay.

Khá khẩm hơn việc cho thuê không gian để tổ chức tiệc tùng, một số bảo tàng nhờ kiến trúc đẹp, thường cho các đoàn phim kiểu xưa mượn để quay và cho thuê không gian chụp ảnh cưới, ảnh thời trang, như: Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng TPHCM. Khá hơn chút nữa và có liên quan hơn đến lĩnh vực chuyên môn, một số bảo tàng cho thuê không gian để triển lãm. Tuy nhiên, con số này không nhiều vì ít nghệ sĩ/họa sĩ có đủ khả năng để tổ chức triển lãm thường xuyên.

Đây có lẽ là giải pháp “không thể khác” để các bảo tàng có thể sống được và tạo thêm nguồn thu phụ. Nhưng cũng chính vì điều này, không ít khách tham quan bớt đi sự “thân thiện” với bảo tàng. Hoài Thu (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bày tỏ: “Tôi từng dự một tiệc cưới tổ chức trong một bảo tàng ở quận 3. Không gian thoáng đãng, vị trí dễ tìm để mình tới dự tiệc cưới cũng thuận tiện hơn, nhưng nhìn ra cổng cũng hơi chạnh lòng, rõ ràng là bảo tàng mà bên trong lại là tiệc tùng, ăn uống thì có vẻ không hay lắm”.

Bảo tàng tìm cách vượt khó ảnh 1 Một bảo tàng tận dụng vị trí mặt tiền đẹp và thoáng cho nhà hàng tiệc cưới thuê. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Còn anh Đặng Hoàng Vinh (43 tuổi, ngụ quận Bình Tân) suy nghĩ: “Tôi cũng bỡ ngỡ khi tới đúng địa chỉ ghi trong thiệp cưới, nhưng nhìn lên cổng thấy đề bảo tàng. Bảo tàng cho thuê kiếm thêm cũng tốt thôi, tôi nghĩ không ảnh hưởng gì đến không gian trưng bày bên trong, nhưng nhiều người ngạc nhiên vì bảo tàng và tiệc cưới là 2 lĩnh vực không liên quan gì nhau, để cạnh nhau, nghe ra hơi buồn cho nghệ thuật”.

Tự mình thay đổi và tìm bản sắc

Không bàn đến những ảnh hưởng do dịch Covid-19, lâu nay nhiều bảo tàng tại TPHCM không thể thu hút khách tham quan và cũng khó trong việc liên kết với các công ty lữ hành. Chính bảo tàng không thể tự tạo ra sức hút, không tổ chức hoạt động hiệu quả và hấp dẫn thì các công ty du lịch cũng khó lòng đưa vào tour.

Một thực tế khác, dù là ở những đô thị lớn, người dân vẫn không mấy mặn mà và chưa có thói quen tham quan bảo tàng. Vì thế mà các bảo tàng gần như làm mỗi việc trưng bày, lưu giữ và bảo quản hiện vật, hơn là một điểm đến hấp dẫn.

Có chăng khách tới cũng nằm trong nhóm những người đang nghiên cứu, cần tài liệu về hiện vật theo giai đoạn lịch sử, hay bạn trẻ thích check-in với kiến trúc cổ; hoặc những đoàn khách theo kiểu “buộc phải đi” từ các cơ quan công sở nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm, hay các trường học đưa học sinh tham quan ngoại khóa… Khách tới kiểu “hình thức” nên chẳng mấy người quay lại lần 2, lần 3.

Theo Th.S Phạm Lan Hương, giảng viên Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, việc bảo tàng cho nhà hàng tiệc cưới thuê không gian để tạo nguồn thu phụ là việc khá phổ biến ở nhiều bảo tàng trên thế giới. Đó cũng là một hình thức để công chúng biết đến bảo tàng. Vấn đề là bảo tàng phải quan tâm đến việc bảo quản hiện vật và các bộ sưu tập trong quá trình cho thuê mặt bằng.

Bảo tàng tìm cách vượt khó ảnh 2 Vắng khách là tình trạng chung của nhiều bảo tàng tại TPHCM hiện nay, kể cả khi chưa chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ở đô thị lớn như TPHCM, nơi có số lượng bảo tàng nhiều nhất nhì cả nước, việc “đổi mới bảo tàng” hay hướng đến “bảo tàng ảo” vẫn chỉ dừng ở mức thử nghiệm. Theo Th.S Phạm Lan Hương, để có được “bảo tàng ảo”, bản thân “bảo tàng thật” cần phải thực hiện tốt, mới có cơ sở để tạo ra phiên bản ảo. Thực tế, có bảo tàng đã ứng dụng công nghệ vào trưng bày, thử nghiệm trưng bày trực tuyến, nhưng khách không mấy quan tâm và đội ngũ nhân sự ở bảo tàng hiện nay vẫn chưa mấy nhạy bén với chuyện ứng dụng công nghệ. Mở cửa đón khách, hết giờ thì đóng cửa, trưng bày chuyên đề không nhiều và không thay đổi thường xuyên…, chính hình thức cũ kỹ này cũng là một rào cản trong việc khách đến với bảo tàng.

Trước khi bàn đến con số kinh phí cụ thể để nâng cấp, thay đổi bảo tàng, hay ứng dụng công nghệ vào trưng bày…, bản thân các bảo tàng cần thay đổi về mặt tư duy tổ chức và tiếp cận công chúng. Bởi ngay chính kênh tương tác là website của bảo tàng, nhiều nơi còn bị bỏ lơ. Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày những gì mình có, mà cần hiểu khách “cần gì, muốn gì” khi đến với bảo tàng.

Th.S Phạm Lan Hương cho rằng, hoạt động của các bảo tàng ở TPHCM hiện nay cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ và các bảo tàng cần xác định bản sắc và chiến lược tốt hơn. Để thu hút khách tham quan và trở thành điểm đến hấp dẫn, các bảo tàng trên địa bàn thành phố cần tăng cường tương tác: Tương tác giữa bảo tàng với đa dạng đối tượng công chúng, với các cộng đồng; tương tác giữa cán bộ nhân viên bảo tàng với khách tham quan; tương tác giữa khách tham quan với khách tham quan...

Bảo tàng phải như một không gian học tập hiệu quả. Giáo dục cần được hiểu ở nghĩa rộng, không chỉ đơn thuần là giáo dục cho các nhóm học sinh, sinh viên. Trong các chủ đề trưng bày, trình diễn, giáo dục..., bảo tàng phải chú trọng đến nhu cầu và mối quan tâm của cộng đồng, cũng như những vấn đề của xã hội đương đại; chú trọng sự đa dạng giọng nói của các chủ thể văn hóa; nhấn mạnh các yếu tố phi vật thể... và cần thiết nhìn nhận vai trò của marketing trong bảo tàng.

Tin cùng chuyên mục