Bảo tàng “sống” bằng tự chủ tài chính

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là bảo tàng duy nhất của TPHCM và trong cả nước đi đầu trong việc thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn kể từ năm 2014. 
Khách quốc tế tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh: LÊ MINH
Khách quốc tế tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh: LÊ MINH
Đến nay, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã trở thành một điển hình thành công trong việc tự tìm kiếm nguồn thu, tạo động lực phát triển và không còn sống nhờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Buổi tọa đàm do bảo tàng vừa tổ chức như một báo cáo chuyên đề, chuyển tải đến các nhà quản lý và hệ thống bảo tàng những nỗ lực của đơn vị cũng như chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động trong 3 năm qua. 
Tiết kiệm chi phí, đa dạng hoạt động 
Theo Quyết định 5620/QĐ-UBND của UBND TPHCM ngày 13-11-2014, TP giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2014-2016 đối với đơn vị sự nghiệp công lập cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Tuy nhiên, ngay từ ngày 1-1-2014, toàn bộ ngân sách nhà nước của đơn vị này đã bị ngưng cấp, mọi hoạt động đều dựa vào nguồn thu sự nghiệp. Việc chuyển đổi đột ngột, không có một lộ trình dần dần khiến đơn vị đối mặt với khó khăn rất lớn. Tổng thu của bảo tàng giảm đáng kể, trong khi nguồn thu sự nghiệp chưa bù được đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn và đời sống của cán bộ viên chức, người lao động. 
“Tập thể cán bộ nhân viên chúng tôi đã phải nỗ lực không ngừng để không chỉ đứng vững trong hoạt động, sống được và còn trở thành đơn vị dẫn đầu trong khối bảo tàng tại TPHCM về nhiều mặt”, ông Châu Phước Hiệp, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chia sẻ.
Ông Hiệp cũng cho rằng, chính sự đồng lòng và quyết tâm của tập thể đơn vị đã nỗ lực sáng tạo, hình thành nhiều nguồn thu trong thực tế để cải thiện tình hình tài chính cho bảo tàng khi “bầu sữa” ngân sách đột ngột bị cắt. Đầu tiên, cả đơn vị cùng bắt tay thực hiện tiết kiệm, từ các vật dụng nhỏ hàng ngày như sử dụng giấy mực in, các loại văn phòng phẩm đến không sử dụng máy điều hòa để tiết kiệm chi phí. Bảo tàng chú trọng đổi mới và khai thác thế mạnh triển lãm tại chỗ với những chuyên đề hấp dẫn, mang tính thời sự cao để tăng năng suất bán vé. Đơn vị còn kết hợp các hình thức khác như giao lưu, trình diễn để thu hút khách. Khách tham quan đến bảo tàng không chỉ để xem các hiện vật từ chiến tranh, mà còn được xem các chuyên đề triển lãm hấp dẫn, có giao lưu với nhân chứng lịch sử, các cựu chiến binh, nghệ sĩ từng sống trong thời chiến...
Với phương châm “lấy chất xám tạo nguồn thu”, bảo tàng đã năng động tổ chức các dịch vụ vừa phù hợp với chức năng, vừa tăng nguồn thu, vừa tạo cơ hội quảng bá hoạt động chuyên môn. “Có những việc khi bắt tay làm mới thấy được hiệu quả, như việc in ấn và phát hành tập sách dạng catalogue giới thiệu bảo tàng bằng 4 ngôn ngữ, chúng tôi bán hơn 100 cuốn/ngày, tính từ quý 3 năm 2016 đến nay đã thu về 527 triệu đồng”, ông Hiệp cho biết.
Liên kết để phát triển
Theo đánh giá của bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, từ khi thực hiện tự chủ tài chính, đơn vị sử dụng tối đa tiềm năng nguồn nhân lực của tập thể cán bộ nhân viên. Một người có thể thực hiện nhiều công việc như: tự thực hiện triển lãm, bảo quản hiện vật, chỉnh trang khuôn viên, các bộ phận đều phải sẵn sàng choàng gánh công việc cho nhau. Từ đó, đơn vị đã dần ổn định nguồn thu, duy trì tốt các khoản chi thường xuyên, phục vụ tốt công tác chuyên môn, trích quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và đảm bảo được đời sống của cán bộ viên chức, người lao động. 
Bảo tàng cũng năng động trong thực hiện các dịch vụ chuyên môn như: thực hiện triển lãm, trưng bày nhà truyền thống, xuất bản ấn phẩm… cho các trường đại học tại TPHCM và nhiều đơn vị tại các tỉnh thành. Việc này vừa mang lại nguồn thu, vừa nâng cao năng lực tác nghiệp cho cán bộ nhân viên, tạo mối quan hệ với cơ sở và đồng thời nâng tầm thương hiệu cho bảo tàng…
Và thực tế, những cố gắng không ngừng của tập thể bảo tàng đã làm một cuộc bứt phá ngoạn mục trong 3 năm qua. Có thể minh chứng từ kết quả nguồn thu. Năm 2014, bảo tàng thu phí tham quan trên 8,3 tỷ đồng, giảm 2,16% so với năm 2013. Tuy nhiên, năm 2015, nguồn thu phí tham quan đạt trên 11,5 tỷ đồng (tăng 35,8 % so với trước khi tự chủ tài chính), năm 2016 con số này trên 13,7 tỷ đồng (tăng 62%)… Tương tự, nguồn thu từ các dịch vụ văn hóa tại bảo tàng cũng tăng dần. Năm 2014 là hơn 1,6 tỷ đồng (tăng 40%), năm 2015 thu hơn 2,9 tỷ đồng (tăng 149%) và năm 2016 đạt 3,8 tỷ đồng (tăng 223%).
Chia sẻ với việc nỗ lực để hướng đến tự chủ tài chính, ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, nơi cũng có lượng khách quốc tế tham quan khá đông cho rằng, mỗi bảo tàng có điều kiện và đặc thù riêng. “Phải nói rằng, cách làm năng động, biết tận dụng các ưu thế khai thác thành nguồn thu để tự chủ tài chính vững vàng thì Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một điển hình đáng học hỏi”, ông Tuấn nhận định.

Tin cùng chuyên mục