Bảo tàng Đà Nẵng chú trọng phát triển theo định hướng gắn kết cộng đồng

Chiều 27-11, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm “Câu chuyện bên bờ sông”. Từ 2000-2005, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã di dời những hộ dân sống trong khu nhà chồ ven bờ Đông sông Hàn - đến những khu nhà hiện đại ở vùng Nại Hiên Đông, vùng ven đô thuộc quận Sơn Trà. Triển lãm giúp kể câu chuyện của một số gia đình trong cộng đồng này.

Triển lãm "Câu chuyện bên bờ sông" là một trong những cách làm mới về việc trưng bày các hiện vật tại các bảo tàng hiện nay
Triển lãm "Câu chuyện bên bờ sông" là một trong những cách làm mới về việc trưng bày các hiện vật tại các bảo tàng hiện nay

Nội dung được lấy từ lời kể của chính thành viên trong cộng đồng và những hiện vật mà họ đã lựa chọn từ các bộ sưu tập của Bảo tàng. Những câu chuyện này cho thấy sự mạnh mẽ của một cộng đồng, mối liên hệ của họ với dòng sông và sinh kế thay đổi của họ.

Với bà Nguyễn Thị Liên, một người dân từng sống trong khu nhà chồ chia sẻ: “Triển lãm gợi cho tôi nhớ lại những kí ức ngày xưa với cha ông mình. Với hiện vật là một cái đèn, trước đây trong nếp sống của cha ông không thể thiếu một cái đèn. Điều này khác với cuộc sống bây giờ khắp nơi thắp sáng bằng đèn điện, hiện đại văn minh hơn. Cảnh nhà chồ mặc dù đã không còn nữa nhưng những hiện vật, kỷ niệm đối với cha ông ngày xưa không thể nào quên được”.

Những người dân đã từng sống khu nhà chồ tưởng nhớ lại những kỷ niệm một thời đã qua  với những bức tranh, hiện vật tại triển lãm
Được biết, triển lãm là một phần trong kết quả của dự án nghiên cứu "Di sản nghề chài và cuộc sống mưu sinh tại Đà Nẵng” do giáo sư Graeme Were, Trưởng khoa Nhân học- Đại học Bristol - Vương Quốc Anh làm chủ nhiệm đề tài.
“Nhìn những gương mặt hạnh phúc và xúc động của những người dân chài khi tham quan không gian trưng bày về nhà chồ ngày xưa của họ trong bảo tàng, chúng tôi hiểu được sự khác biệt như thế nào trong hiệu ứng của một trưng bày. Việc đưa tiếng nói của cộng đồng vào trong trưng bày là một cách làm mới và thực sự cần được nhân rộng”, giáo sư Graeme Were cho biết.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng tặng quà lưu niệm cho giáo sư Graeme Were
Hướng tiếp cận theo góc độ nhân học trong nghiên cứu của giáo sư Graeme Were đã góp phần định hướng cho hoạt động và phương châm phát triển của Bảo tàng Đà Nẵng là gắn kết bảo tàng với cộng đồng. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nhìn nhận, hiện nay, các bảo tàng ở Việt Nam chưa chú trọng và thành công trong phát triển theo định hướng này.
Vì vậy, Bảo tàng Đà Nẵng mong muốn hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ giáo sư Graeme Were trong việc xây dựng các chương trình, hoạt động giúp Bảo tàng trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng và gần gũi với cộng đồng địa phương. Ngoài ra, việc hơp tác lần này góp phần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quảng bá và nâng cao chất lượng hoạt động cũng như thương hiệu của Bảo tàng, trước hết là với các lĩnh vực liên quan nghiên cứu hiện vật lịch sử trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục