Bão số 9 làm ít nhất 83 người chết và mất tích

57 người chết và mất tích ở trên bờ khi bão số 9 đổ bộ, còn trên biển thì 26 ngư dân vẫn đang mất tích từ trước khi cơn bão vào. Như vậy, ít nhất 83 người chết và mất tích.
Theo báo cáo nhanh của văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay 29-10, cơn bão số 9 cùng mưa lũ đã làm ít nhất 2 người chết (Gia Lai: 1 người; Quảng Nam: 1 người) cùng 55 người mất tích do sạt lở núi (trong đó tại huyện Nam Trà My là 53 người và 2 người ở huyện Phước Sơn).
Sáng nay 29-10, thời tiết miền Trung vẫn đang rất xấu. Ảnh: TRẦN HỮU DŨNG

Có 28 người bị thương ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Quảng Ngãi, Bình Định). Bão đánh sập hơn 2.555 ngôi nhà và thổi tốc mái 88.591 nhà ở nhiều địa phương từ Nam Trung bộ tới Tây Nguyên. 

Ngoài gây lở núi, vùi lấp hàng chục người ở Nam Trà My - Quảng Nam thì ở trên biển, bão đánh chìm 9 tàu cá tại Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam. 

Trong 9 tàu chìm có 2 tàu của Bình Định mà Báo SGGP Online đã đưa tin từ chiều 27-10. Sáng nay, Ban chỉ đạo Trung ương báo cáo 26 ngư dân vẫn mất tích.

Ban chỉ đạo Trung ương thông tin, lúc 0 giờ 51 phút nửa đêm 28-10 về sáng 29-10, tàu kiểm ngư KN467 của Cục Kiểm ngư Việt Nam đã tiếp cận được tàu cá BĐ-98658-TS của Bình Định hoạt động ở gần tàu cá BĐ-96388-TS bị nạn (trên tàu có 12 ngư dân). 

Tàu BĐ-98658-TS đã tham gia cứu hộ tàu chở 12 ngư dân bị nạn nhưng do sóng lớn, mây mù nên không thể tiếp cận mục tiêu. 

Hiện sức khỏe của 4 thuyền viên trên tàu BĐ-98658-TS bình thường.


Ngày 29-10, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, bão số 9 khiến 14 người bị thương và 878 nhà bị tốc mái, tập trung ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc.

32 công trình công sở, trường học bị thiệt hại, bao gồm: Phú Lộc: 25 điểm trường bị tốc mái; Hương Thủy: Trường tiểu học Thanh Tân, phường Thủy Dương, bị tốc mái hoàn toàn 1 phòng học; Hương Trà: Trường Mầm non Hương Bình cơ sở 2 tốc mái 1 phần, bị đổ ngã tường rào...

Về nông nghiệp, toàn huyện Nam Đông có 2.497ha cao su (gió bão làm gãy đổ, ảnh hưởng, hư hại khoảng 50% diện tích), huyện A Lưới có 9ha cao su gãy đổ. Hiện tại còn bị mất điện 20% người dùng toàn tỉnh, trong đó có huyện A Lưới, Nam Đông đang bị mất điện hoàn toàn. 

Hiện các lực lượng xung kích gồm quân đội, biên phòng và công an đang hành quân về các địa phương giúp dân sửa chữa nhà cửa.


Chưa tính bão số 9, thiệt hại do thiên tai tháng 10 đã 2.700 tỷ đồng   

Trong kỳ thống kê tháng 10 (chưa tính được hậu quả của cơn bão số 9), thiên tai chủ yếu là bão, mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy… tại một số địa phương đã làm 153 người chết và mất tích, 222 người bị thương; 111.900 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; 3.000 gia súc và 650.000 gia cầm bị chết; 45 ngàn ha lúa và 22,3 ngàn ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 2.700 tỷ đồng.

Trong đó, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, riêng đợt mưa lũ tại các tỉnh miền Trung vừa qua làm 129 người chết và mất tích, 214 người bị thương; 111.200 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; hơn 1 ngàn ha lúa và 7,2 ngàn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Ứớc tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 2.300 tỷ đồng, chiếm 83,8% tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trên cả nước.

Trong đó, tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề với 106 người chết, mất tích, 133 người bị thương; 95.300 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng, 2.400 gia súc và 573.200 gia cầm bị chết, thiệt hại ước tính hơn 1.400 tỷ đồng.

Tính chung 10 tháng năm 2020, thiên tai làm 249 người chết và mất tích, 516 người bị thương; 1.940 ngôi nhà bị sập đổ; 212.700 ngôi nhà bị hư hỏng; 187.800 ha lúa và gần 90.000ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 10.100 tỷ đồng.

Số liệu vừa được cơ quan thống kê quốc gia công bố sáng nay 29-10.

Tin cùng chuyên mục