Bão số 7 vào biển Đông, có thể tiến sâu xuống vùng biển phía Nam

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, chiều tối 3-12, bão Kammuri đã vượt qua miền Trung Philippines và đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 7 trên biển Đông trong năm 2019.
Bão số 7 vào biển Đông, có thể tiến sâu xuống vùng biển phía Nam

Hồi 17 giờ ngày 3-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ vĩ Bắc - 119,9 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 650km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão. Dự báo bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến chiều ngày 4-12, tâm bão ở khoảng 14,9 độ vĩ Bắc - 116,9 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 480km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15, biển động dữ dội.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Chiều ngày 5-12, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ vĩ Bắc - 114,3 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 440km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Chiều ngày 6-12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 150km về phía Tây Nam.

Ngày 3-12, tại Nam Trung bộ đã có gió giật mạnh tới cấp 6-7, nhưng trời không mưa, khiến nhiều người lầm tưởng là gió bão. Tuy nhiên theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thì đây là hiện tượng do gió mùa Đông Bắc (không khí lạnh lệch Đông) gây nên. Do ảnh hưởng của không khí lạnh được tăng cường nên từ ngày 4-12 đến 6-12 ở vịnh Bắc bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực phía Tây của Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Ngày 3-12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp triển khai ứng phó với bão số 7. Theo nhận định chung, nhiều khả năng bão sẽ suy yếu vào chiều tối 6-12. Nhưng các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng, quỹ đạo bão hiện nay còn chịu tác động của không khí lạnh nên không loại trừ sẽ diễn biến phức tạp. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho rằng, hình thái thời tiết nguy hiểm nhất hiện nay là gió mạnh trên biển, nên cần tập trung kêu gọi tàu thuyền trên biển, nhất là những ngư trường mà có khả năng bão đi qua, thông tin kịp thời cho các tàu, thuyền khẩn trương di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Kịp thời cứu 4 ngư dân trôi dạt trên biển

Ngày 3-12, ông Nguyễn Đình Thắng, cán bộ Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang, cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 4 ngư dân trôi dạt trên biển. Vào lúc 15 giờ 30 ngày 2-12, khi tàu khách Phú Quốc Express 7 trên đường đưa khách từ Rạch Giá gần tới huyện đảo Phú Quốc, phát hiện 4 ngư dân trôi dạt trên vùng biển thuộc thị trấn An Thới và đã cứu vớt kịp thời.  

VĨNH THUẬN

Tin cùng chuyên mục