Bão số 7 đổi hướng vào Bắc bộ, khẩn cấp lên phương án ứng phó

Ngày 8-10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức hai cuộc họp khẩn cấp để triển khai ứng phó với bão số 7, do bão có xu hướng đổ bộ vào Bắc bộ, không phải là Trung bộ như dự báo đưa ra trước đó. 
Vị trí cơn bão số 7 vào hồi 17 giờ chiều nay 8-10 theo họa đồ của Trung tâm Dự báo KTTVQG

Bão đi lên phía Bắc

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia thông tin, rạng sáng 8-10, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã phát triển thành bão số 7 (tên quốc tế là Lion Rock). 

Cập nhật đến 17 giờ chiều 8-10, tâm bão số 7 nằm ở vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc); mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. 

Di chuyển chậm theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 5-10km/giờ, dự báo đến chiều 9-10, tâm bão sẽ hoạt động ở khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) với cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. 

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng sang Tây Tây Nam, di chuyển vào vịnh Bắc bộ với tốc độ khoảng 10-15km/giờ. Đến chiều 10-10, dự báo tâm bão cách Hải Phòng 150km, Nam Định 100km, Thanh Hóa 110km, Nghệ An 130km, Hà Tĩnh 160km, hoạt động ở cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh ở phía Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ.  

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm DBKTTVQG báo cáo tình hình thay đổi của cơn bão số 7 tại cuộc họp chiều 8-10

Theo cập nhật dự báo mới của Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, từ chiều 9-10 đến ngày 10-10, sẽ có không khí lạnh ở phía Bắc xuống vịnh Bắc bộ. Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh sẽ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Từ ngày 9-10 đến 12-10, ở khu vực Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xảy ra mưa to đến rất to do ảnh hưởng của bão số 7. 

Cụ thể, từ ngày 9-10 đến 11-10, Đông Bắc bộ có mưa to đến rất to, có nơi trên 300mm. Từ ngày 10-10 đến 11-10, khu vực Tây Bắc bộ cũng có mưa to, có nơi trên 150mm. Từ ngày 10-10 đến 12-10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, có nơi trên 350mm. 

Dự báo thiếu chính xác, điều chỉnh kế hoạch ứng phó bão tại Trung bộ

Về chất lượng dự báo với cơn bão này, trước đó, vào ngày 6-10, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia đã đưa ra nhận định, sau khi vào gần bờ biển Trung Trung bộ, tâm bão số 7 sẽ có xu hướng chếch lên phía Tây Bắc, đi vào khu vực giữa Trung Trung bộ và Bắc Trung bộ. Bão sẽ gây mưa diện rộng từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên, riêng khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có lượng mưa đặc biệt lớn (600mm). 

Chiều cùng ngày 6-10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn với 10 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên để triển khai ứng phó theo dự báo này.  

Tuy nhiên, do cơn bão số 7 hoạt động không như dự báo ngày 6-10, nên ngày 8-10, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức hai cuộc họp khẩn để triển khai ứng phó với tình hình mới của bão. 

Cuộc họp sáng 8-10 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về tình hình tàu thuyền trên biển

Cùng ngày 8-10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai có công văn số 453 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên và Tây Nguyên đề nghị “điều chỉnh các hoạt động ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của bão số 7 (đã di chuyển lên phía Bắc), mưa lớn và nguy cơ lũ lớn, ngập lụt diện rộng không xảy ra trong những ngày tới tại các địa bàn này (từ 9-10 đến 13-10)”. 

Đồng thời, công văn do Phó Chánh văn phòng Nguyễn Văn Tiến ký, cũng lưu ý các địa phương này tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động rà soát các phương án, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 8 (cơn bão đang sắp vào Biển Đông) và mưa lũ sau bão.

Dự báo của Cơ quan khí tượng Nhật Bản về hướng đi của bão số 7 và bão số 8

Theo báo áo tại cuộc họp trực tuyến chiều 8-10 với 9 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Quảng Bình (dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 7), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết, các địa phương này vẫn chưa có kế hoạch cấm biển nhằm tránh bão. Đến chiều 8-10, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.106 tàu với 263.051 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Cuộc họp chiều 8-10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài chủ trì

Theo báo cáo, hoạt động ở khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình có 4.470 tàu với 15.046 lao động; neo đậu tại bến là 54.636 tàu. Các địa phương này đã thành lập “tổ phối hợp liên ngành” để hướng dẫn, xử lý công tác neo đậu tại bến và phòng chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương trong khu vực được dự báo ảnh hưởng của bão cần khẩn trương rà soát lại các tàu thuyền, đôn đốc đến từng tàu về nơi tránh trú an toàn. Những khu vực huyện đảo cũng cần đảm bảo an toàn cho việc đi lại, neo đậu của tàu thuyền.

Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị các địa phương cần tạo điều kiện để tàu thuyền của địa phương khác vào tránh trú, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

“Do bão số 7 đổ bộ lúc triều cường, mực nước dâng và sóng cao nên các địa phương cần kiểm tra hệ thống đê kè biển, lưu ý đến khu dân cư và khu vực nuôi trồng thủy hải sản trong tầm ảnh hưởng của bão. Đồng thời triển khai sơ tán dân trong những tình huống xác thực, cần thiết, tránh sơ tán với số lượng lớn”, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục