Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư:

Báo SGGP phải luôn năng động, không ngừng sáng tạo

Sáng 5-5, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức kỷ niệm 42 năm Ngày Báo SGGP ra số đầu tiên (5-5-1975 - 5-5-2017), khánh thành Tòa nhà Văn hóa - Nghiệp vụ Báo SGGP và ra mắt phiên bản mới Báo SGGP điện tử.
Lễ khánh thành Tòa nhà Văn hóa - Nghiệp vụ Báo SGGP. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lễ khánh thành Tòa nhà Văn hóa - Nghiệp vụ Báo SGGP. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đến dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM...

Phản ánh trung thực hơi thở cuộc sống

Tại buổi lễ, thay mặt Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư, ôn lại: Những ngày đầu khi thành phố Sài Gòn được giải phóng, hòa vào không khí tràn ngập niềm vui và hạnh phúc của người dân được sống trên dải đất Việt Nam thống nhất - độc lập - tự do, nhận thức tầm quan trọng của công tác tư tưởng, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã quyết định thành lập tờ báo mang tên Sài Gòn Giải Phóng - cái tên đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh anh dũng. Cái tên Sài Gòn Giải Phóng còn thể hiện niềm tự hào của sức mạnh dân tộc và phản ảnh khát khao hòa bình của nhân dân. “Báo SGGP ra đời có nhiệm vụ vận động nhân dân thành phố chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần xây dựng và phát triển thành phố với vai trò tiên phong trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa”, đồng chí Thân Thị Thư bày tỏ.

Đồng chí Thân Thị Thư nhận định: Qua 42 năm trưởng thành và phát triển, Báo SGGP đã thật sự trở thành tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân. Báo đã góp phần rất quan trọng tuyên truyền vận động nhân dân ổn định tình hình tham gia xây dựng chính quyền thành phố những ngày đầu sau giải phóng, thuyết phục các tầng lớp nhân dân tiếp tục góp phần xây dựng quê hương; vận động lớp lớp thanh niên, trong đó có những người làm báo SGGP, đến những vùng kinh tế mới, khai hoang phục hóa, tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Cũng theo đồng chí Thân Thị Thư, trong công cuộc đổi mới và hội nhập, Báo SGGP đã góp phần tuyên truyền về chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng ta, phản ảnh trung thực hơi thở của những ngày đổi mới đầy gian nan, thử thách, phản ánh được sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; phát hiện và nêu cách giải quyết các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Đối với độc giả, thông tin trên Báo SGGP được xem là chuẩn mực, chính xác và đáng tin cậy, kịp thời phát hiện và phổ biến những cái mới và tiến bộ, phê phán những cái cũ và lạc hậu; kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Báo SGGP cũng luôn là ngọn cờ xung kích trên mặt trận chính trị tư tưởng, luôn tiên phong trong đấu tranh chống âm mưu, chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng chống “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”, đồng chí Thân Thị Thư nhấn mạnh và cho biết thêm, Báo SGGP thật sự đã góp phần giúp Đảng bộ thành phố có thêm nguồn thông tin thời sự, những tư liệu mang tính lý luận, thực tiễn hữu ích để kịp thời đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành công tác tư tưởng văn hóa trong giai đoạn mới.

Khai thác các tiện ích đạt hiệu quả cao nhất

Với sự kiện Báo SGGP ra mắt phiên bản mới Báo SGGP điện tử trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại, theo đồng chí Thân Thị Thư, đây cũng là một trong những hoạt động đáp ứng kịp thời xu hướng phát triển của báo chí hiện đại. “Lãnh đạo thành phố luôn đồng hành trong từng bước đi của Báo SGGP, hỗ trợ tháo gỡ từng gút mắc, mỗi khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để tập thể báo tự thân vươn lên, khẳng định thương hiệu của mình”, đồng chí Thân Thị Thư khẳng định và lưu ý, trong thời điểm cạnh tranh báo chí ngày càng gay gắt, đòi hỏi Báo SGGP phải luôn năng động, không ngừng sáng tạo, nỗ lực hơn nữa, giữ vững bản lĩnh chính trị, giữ được bản sắc của tờ báo Đảng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, chung sức, chung lòng vì mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Lễ ra mắt phiên bản mới Báo SGGP Điện tử. Ảnh: VIỆT DŨNG
 Trước đó, phát biểu ôn lại chặng đường 42 năm hình thành, phát triển Báo SGGP, đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo SGGP nêu rõ, 42 năm qua, Báo SGGP đã nỗ lực hết mình vượt qua mọi khó khăn, để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, chuẩn xác. Theo thời gian, nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng tăng, đòi hỏi chất lượng thông tin ngày càng cao, các thế hệ làm báo SGGP luôn xác định rõ phải vượt lên chính mình để phục vụ bạn đọc tốt nhất, đảm bảo chất lượng thông tin ở mức cao nhất.

Báo SGGP là cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, nên nhiệm vụ của báo là “đưa ý Đảng đến với lòng dân” và “đưa lòng dân đến với Đảng”. Cùng với sự phát triển nhanh, vững chắc của TPHCM nói riêng, đất nước nói chung, Báo SGGP đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị trí là một trong những tờ báo quan trọng của Đảng ta, xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc, của Đảng và Nhà nước. 42 năm qua, đội ngũ phóng viên, lực lượng trụ cột của báo đã không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt và đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong các thể loại báo chí quan trọng như phóng sự, phóng sự điều tra, phỏng vấn nêu vấn đề, bình luận… Sự phát triển của tờ báo được thể hiện ở nhiều mặt. Số lượng luôn đi đôi với chất lượng.

Đồng chí Nguyễn Tấn Phong thông tin, sự phát triển của Báo SGGP còn được thể hiện rõ thông qua các hoạt động xã hội, từ thiện. Báo đã khởi xướng, mời gọi các đơn vị, tổ chức kinh tế, các nhà hảo tâm cùng tổ chức các đợt cứu trợ đồng bào mọi miền đất nước bị thiên tai, tai nạn, để lại những ấn tượng sâu đậm về tình nghĩa đồng bào. Đặc biệt hơn cả là những chương trình hoạt động xã hội đã đi vào truyền thống như: Giải thưởng Võ Trường Toản, Giải thưởng Tôn Đức Thắng, Chương trình Văn hay chữ tốt, Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, Giải thưởng Quả bóng vàng, Giải thưởng Thương hiệu Việt, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Chương trình Vững lòng biển đảo... Có thể khẳng định, các chương trình xã hội, từ thiện của báo đã góp phần nâng cao vị thế tờ báo và sự gần gũi với bạn đọc gần xa.

Tổng Biên tập Báo SGGP cũng khẳng định, một khi đã có được tòa nhà khang trang và phiên bản báo điện tử hiện đại, tiện dụng, đội ngũ những người làm báo SGGP sẽ cố gắng nỗ lực hết mình để quản lý, khai thác các tiện ích này đạt hiệu quả cao nhất.

Tin cùng chuyên mục