Báo Sài Gòn Giải Phóng: Năm 2021 vượt khó với nhiều chương trình ý nghĩa

Năm 2021, nước ta, trong đó có TPHCM, đã trải qua nhiều khó khăn, nhất là đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Song, với truyền thống tương thân, tương ái, đội ngũ những người làm Báo SGGP đã chung tay tổ chức nhiều chương trình xã hội ý nghĩa, góp phần cùng người dân vượt qua đại dịch. 
Ông Phạm Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP (bìa trái), thay mặt ban tổ chức chương trình Đồng hành vượt cạn trao hỗ trợ cho thai phụ ở quận 3, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ông Phạm Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP (bìa trái), thay mặt ban tổ chức chương trình Đồng hành vượt cạn trao hỗ trợ cho thai phụ ở quận 3, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Năm cũ khép lại, Báo SGGP xin điểm lại những chương trình nổi bật cùng hoạt động trên mặt báo đậm tính nhân văn, lan tỏa thông điệp tích cực vì một thành phố nghĩa tình.

“Xe gạo nghĩa tình” được Báo SGGP phối hợp với các doanh nghiệp, bạn đọc hảo tâm khởi động ngay thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch. Trong “tâm dịch”, các “Xe gạo nghĩa tình” đã trao tặng hơn 160 tấn gạo, 20 tấn thực phẩm, rau củ quả, gần 20.000 sản phẩm nước giải khát... đến hàng chục ngàn hộ khó khăn ở 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. 

“Một gia đình trợ giúp một gia đình” là chương trình song hành với “Xe gạo nghĩa tình”, cũng do Báo SGGP phát động, thực hiện. Chương trình đã kêu gọi, vận động những gia đình có điều kiện chung tay giúp đỡ những gia đình đang trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi suất hỗ trợ trị giá 2 triệu đồng tiền mặt.

“Đồng hành vượt cạn” là một chương trình nhân văn, kéo dài nhất trong năm 2021, được Báo SGGP tổ chức, với sự phối hợp thực hiện của Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, Hội Hộ sinh TPHCM, sự đồng hành tài trợ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE), Quỹ Công tác xã hội Anh hùng LLVTND Phan Trọng Bình. Kéo dài suốt 5 tháng, từ tháng 9-2021 đến nay, chương trình đã kịp thời trao gói hỗ trợ cho 1.710 thai phụ đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo (3 triệu đồng tiền mặt/suất) để họ an tâm đón những thiên thần nhỏ chào đời. Tổng kinh phí của chương trình lên đến hơn 5,1 tỷ đồng. Ngoài ra, các thai phụ được tư vấn, hỗ trợ các thủ tục cần thiết trong quá trình thăm khám thai và sinh nở.

“Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19” là ý tưởng được Báo SGGP đề xuất, với mục đích chia sẻ với những đau thương, mất mát do đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ra. Nhằm góp phần xoa dịu niềm đau và những mất mát, tổn thương do dịch Covid-19, động viên tinh thần những người đang sống và tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh, ngày 6-10-2021, Báo SGGP đề xuất có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Sau khi đăng tải đề xuất, Báo SGGP nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ, đồng thuận, góp ý của nhiều giới chức, nhân sĩ, trí thức… đề xuất Quốc hội sớm xem xét chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tưởng niệm. Kết quả, tối 19-11-2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TPHCM phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 - sự kiện quy tụ tâm trí mọi người hướng lòng về những mất mát, đau thương.

“Quả bóng vàng” do Báo SGGP tổ chức, là giải thưởng danh giá mà bất cứ cầu thủ nào cũng mong muốn một lần được vinh danh. Ra mắt từ năm 1995, đến nay, giải thưởng đã vinh danh 25 danh hiệu Quả bóng vàng, trao cho 17 nam cầu thủ và 19 danh hiệu Quả bóng vàng, trao cho 11 nữ cầu thủ (có cầu thủ nhận danh hiệu nhiều lần - PV). Năm 2021, nền bóng đá trong và ngoài nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên ban tổ chức điều chỉnh một số hạng mục trao thưởng. Cụ thể, “Quả bóng vàng” năm 2021 còn lại 9 hạng mục: Quả bóng vàng, bạc, đồng nam; Quả bóng vàng, bạc, đồng nữ; Quả bóng vàng, bạc, đồng futsal (nam). Dự kiến lễ trao Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam năm 2021 diễn ra vào ngày 16-2.

“Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc” là chương trình đang được Báo SGGP tham gia tổ chức, nhằm chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu mắc Covid-19. Dự kiến, chương trình kéo dài tới cuối tháng 4-2022, với mục tiêu khám, tầm soát bệnh và sàng lọc, tư vấn tâm lý cho 6.000 đảng viên cao tuổi và 6.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn, hoàn toàn miễn phí. Tính đến cuối ngày 26-1, chương trình đã thăm khám, sàng lọc thể chất, tinh thần cho 2.755 người và phát hiện có 412 người cần tham vấn, trị liệu tâm lý.

Tin cùng chuyên mục