Bão qua, lũ đến gây thiệt hại kép

Miền Trung đang phải hứng chịu một đợt lũ đặc biệt lớn. Lũ lớn và lên nhanh đã khiến cho hàng chục ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước, giao thông chia cắt, nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn… 
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) ngập chìm trong lũ. Ảnh: Nguyên Khôi
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) ngập chìm trong lũ. Ảnh: Nguyên Khôi

Tính đến thời điểm này, cơn bão số 12 (bão Con voi) đã làm hàng chục người dân tại Nam Trung bộ chết và còn hàng chục người khác mất tích; hàng chục ngàn căn nhà bị sập, tốc mái; hàng ngàn bè thủy sản bị nhấn chìm dưới biển sâu. Chưa hết, ở miền Trung đang phải hứng chịu một đợt lũ đặc biệt lớn. Lũ lớn và lên nhanh đã khiến cho hàng chục ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước, giao thông chia cắt, nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn… 

Khẩn trương khắc phục

Một ngày sau bão hoành hành, thời tiết tại các tỉnh Nam Trung bộ đã nắng ráo trở lại sau đêm kinh hoàng hứng chịu những đợt càn quét của bão số 12 cùng với mưa lớn. Ngay từ sáng sớm, người dân và nhiều cơ quan chức năng, tổ chức, đơn vị đã cùng nhau khắc phục hậu quả của bão.

Tại Nha Trang, nơi tâm bão đi qua, 100% cây xanh các tuyến đường trong thành phố bị đổ ngã. Do số lượng cây đổ ngã quá lớn, ngành đô thị và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nha Trang đã huy động tổng lực các đơn vị thành viên cùng tham gia dọn dẹp, nhất là ưu tiên cho các tuyến đường chính có nhiều khách du lịch, để vừa đảm bảo môi trường thông thoáng và đảm bảo an toàn cho du khách.

Không chỉ những tuyến đường chính, đẹp nhất thành phố bị thiệt hại nặng nề về hệ thống cây xanh những tuyến phố nhỏ, các xã, phường thành phố đều trơ trọi. Ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, cho biết đã huy động 20 cán bộ và tình nguyện viên của xã đi dọn đường sau bão. Dù có 3 máy cưa, 2 xe chở cây làm hết công suất nhưng chỉ mới dọn được hai điểm tắc nghẽn trên địa bàn.

“Cây đổ nhiều, toàn là cây lớn nên việc cưa cành, dọn dẹp rất khó khăn. Chắc phải mất 2-3 ngày nữa mới dọn hết các điểm đường chính”, ông Mỹ cho hay.

Bão qua, lũ đến gây thiệt hại kép ảnh 1 Lực lượng bộ đội giúp dân sửa chữa nhà sau bão tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: VĂN NGỌC
Chia sẻ khó khăn với Khánh Hòa, Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 5, cho biết, để hỗ trợ Khánh Hòa khắc phục hậu quả, Quân khu 5 đã điều động gần 3.500 chiến sĩ cùng tham gia với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả.

Trước thiệt hại quá nặng nề của bão số 12 gây ra cho địa phương, sáng 5-11, Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp khẩn cấp chỉ đạo khắc phục hậu quả, nhất là nhiệm vụ chăm lo đời sống, sức khỏe cho người dân.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 27 người chết do bão số 12 gây ra và 5 người mất tích. Về thiệt hại kinh tế, tính đến nay toàn tỉnh Khánh Hòa có 691 nhà bị sập hoàn toàn, nhiều nhất là TP Nha Trang với 415 nhà. Khánh Hòa có 29.382 nhà tốc mái, riêng TP Nha Trang 12.248 nhà. Thị xã Ninh Hòa hiện do quá nhiều nhà bị hư hỏng nên chưa thống kê, nhưng qua ước lượng có đến 90% nhà dân bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng, có đến 70% học sinh tại thị xã Ninh Hòa có nhà bị hư hỏng nặng.

Về thủy sản, ngành kinh tế mũi nhọn của Khánh Hòa, đến thời điểm này có đến 1.456 lồng bè nuôi thủy sản bị đánh chìm, nhiều nhất là huyện Vạn Ninh 1.242 lồng bè. Những lồng bè này nuôi các loại hải sản có giá trị rất cao như tôm hùm, cá mú, cá bớp…

Theo thống kê của điện lực Khánh Hòa, bão số 12 làm 400 trụ điện đường dây 200kV, 20 trụ điện đường dây 110kV và 20 trạm biến áp gặp sự cố. Tổng thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trước những thiệt hại nặng do bão số 12 gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã yêu cầu các sở ngành, địa phương các huyện thị trước mắt phải lo chỗ ở ổn định người dân ảnh hưởng, không để dân đói rét, mắc bệnh khi mùa đông đã cận kề. Sở Xây dựng rà soát lại tất cả các cơ sở kinh doanh VLXD để đặt hàng, nhất là không được tăng giá.

Oằn mình chống lũ

Chiều 5-11, tất cả các con sông lớn tại Thừa Thiên - Huế đều có mực lũ vượt báo động 3 và tiếp tục dâng cao do mưa lớn dồn dập cộng 100% hồ thủy điện xả lũ. Các trục đường ở TP Huế và các huyện thị vùng ven như Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà và Hương Thủy đều ngập sâu từ 0,4-0,6m nước, nhiều điểm ngập cục bộ hơn 1m. Hàng ngàn nhà dân ngập sâu trong nước.

Riêng QL1A, đoạn qua Cầu Hai, thuộc huyện Phú Lộc do mưa to, nhiều đoạn đường ngập sâu từ 0,5-0,8m, gây ách tắc giao thông kéo dài. Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp Công an huyện Phú Lộc đã huy động tối đa cán bộ chiến sĩ tổ chức điều hòa giao thông trên toàn tuyến nhưng vẫn có hàng ngàn ô tô bị ùn tắc. Trong khi, QL49A tại km55 và km76 thuộc địa bàn 2 xã Sơn Thủy và Phú Vinh xảy ra sạt lở đất đá khối lượng hơn 300m³, đất tràn mặt đường gây chia cắt giao thông.

Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ A Lưới Lê Gia Định cho biết, tuyến đường Hồ Chí Minh sạt lở nhiều điểm khác như: đoạn từ xã A Roàng đến đồn Biên phòng Hương Nguyên. Đơn vị đã tăng cường nhân lực, vật lực bố trí ứng trực tại các vị trí xung yếu; huy động tối đa người và phương tiện để thu gom đất đá sạt lở để sớm thông toàn tuyến.

Bão qua, lũ đến gây thiệt hại kép ảnh 2 Quốc lộ 1A đoạn qua Thừa Thiên - Huế ngập sâu trong lũ gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông vào sáng 5-11. Ảnh: Văn Thắng

Tại Quảng Trị, mưa lớn các ngày 4 và 5-11 khiến nước trên các sông tại địa phương này lên rất nhanh. Sông Thạch Hãn xấp xỉ báo động 3. Đáng chú ý, trên sông này có đập phụ của đập chính Nam Thạch Hãn được làm bằng cao su, chứa khoảng 10 triệu m3 nước, đã hư hỏng, xuống cấp, có thể vỡ. Tuyến đường vào trung tâm xã Ba Nang (Đakrông) sạt lở nặng tại km5+300, cầu tràn Đá Đỏ ở km5+800 vào trung tâm xã này cũng bị ngập trên 2m; mọi đi lại vào trung tâm xã này vì thế bị chia cắt hoàn toàn…  

Mưa lớn trên diện rộng toàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng khiến nước lũ trên hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn lên rất nhanh. Các thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn cũng tiếp tục xả lũ khiến hạ du ngập nặng, nhiều địa phương bị cô lập. Phố cổ Hội An ngập chìm trong biển nước.

Tại huyện Đại Lộc, tất cả các tuyến đường bị ngập từ 0,5 - 1,5m khiến huyện này bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Tại xã Đại Hiệp, tuyến QL14B nối TP Đà Nẵng với các tỉnh Tây Nguyên bị ngập sâu trong nước khiến giao thông bị ách tắc. Bên cạnh đó, các huyện như Nông Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn... bị ngập sâu trong lũ. Huyện miền núi Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn do ngầm sông Trường ngập khoảng 4m.

Tại Đà Nẵng trưa 5-11, lũ trên sông Vu Gia bắt đầu tràn về khiến cho nhiều vùng ở huyện Hòa Vang bị ngập sâu 0,5 - 1m. Tại xã Hòa Tiến (Hòa Vang) có 2.320 hộ/7.920 khẩu bị ngập lũ. Chính quyền xã Hòa Tiến đã tổ chức căng dây và đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở những đoạn đường ngập nước. Trong khi đó, theo UBND xã Hòa Nhơn, có 300 hộ dân bị ngập, hầu hết đều đã bị lũ tràn vào nhà, trong đó 30 hộ ngập sâu 1,2m và đã di dời 10 hộ đến nơi cao ráo. 

Theo UBND tỉnh Phú Yên, đến chiều 5-11, bão số 12 kèm theo mưa lũ lớn đã làm 1 người chết, 11 người mất tích, bị thương; 69 ngôi nhà sập hoàn toàn, 12.382 nhà hư hỏng, tốc mái, xiêu vẹo; 104 tàu thuyền bị chìm và cuốn trôi, hàng ngàn lồng bè nuôi tôm hùm và các loài thủy sản khác bị thiệt hại; gần 17.000ha mía và hơn 2.000ha cây cao su ngã đổ... cầu cảng Vũng Rô bị sóng biển đánh sập hoàn toàn, nặng nhất là sạt lở tại Đèo Cả, ước tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Tại tỉnh Bình Định, trong ngày 5-11 vẫn còn mưa rất to, mực nước trên các sông, hồ chứa dâng cao, đặc biệt là sông Kôn. Toàn tỉnh Bình Định có 165 hồ chứa nước, đã tích 299/578 triệu m³, đạt 51,7% dung tích thiết kế, bằng 270% so với cùng kỳ năm 2016; 31 hồ  đã đầy hoặc qua tràn. Toàn tỉnh có 3 người chết, 5 người mất tích, 81 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 446 ngôi nhà bị hư hỏng; 50km đường giao thông, trên 866ha lúa mùa, 18ha hoa màu, 500ha cây trồng hư hỏng... Tổng thiệt hại ước tính 461,92 tỷ đồng.

Tại Bình Định lực lượng chức năng huy động 10 tàu cứu hộ của Hải quân, Bộ đội biên phòng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải và Cảnh sát biển đang triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân. Trong trường hợp cần thiết có thể điều động thêm 2 tàu Hải quân để tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra, Cục hàng hải đang phối hợp với các chủ tàu xác định số lượng người, vị trí của từng khoang tàu để các đơn vị kỹ thuật của Hải quân và Cục Hàng hải định vị và thuê thợ lặn vào để kiểm tra thực tế để trục vớt các tàu hàng bị chìm.

58 người chết và mất tích

Theo báo cáo cập nhật chiều 5-11 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện đã có tới 29 người bị thiệt mạng do bão số 12 và mưa lũ sau bão; 29 người mất tích. Ngoài ra, có hơn 44.000 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn hoặc hư hỏng; 30.000ha lúa và hoa màu hư hỏng; 228 tàu cá bị chìm hoặc bị hư hỏng.

Ngày 5-11, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hạ tầng đường bộ khu vực miền Trung đã bị thiệt hại khá nặng nề do bão số 12. Cụ thể, nhiều tuyến đường giao thông như QL14G, QL27C, QL1, QL49, QL25, QL26, QL27, QL19, đường Trường Sơn Đông, đường Hồ Chí Minh khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã bị ngập ách tắc giao thông, sạt lở taluy dương, taluy âm với khối lượng trên 60.000m³, hư hỏng mặt đường khoảng 65.000m².

Tổng kinh phí ước tính để khắc phục thiệt hại bước 1 cả trên hệ thống quốc lộ và đường địa phương khoảng 70 tỷ đồng. Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các sở GTVT, các đơn vị  quản lý đường bộ tổ chức trực gác 24/24 giờ tại những vị trí nguy hiểm, bố trí hệ thống an toàn giao thông tại hai đầu đoạn bị ngập; tập trung vệ sinh mặt đường, sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường và bị sụt lở taluy âm để thông xe.

Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12, hàng chục điểm đường sắt đã phải phong tỏa do cây và cột thông tin đổ vào, không thể chạy tàu, nhiều đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam qua khu vực Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… bị tê liệt. 

Tin cùng chuyên mục