Báo Người Lao Động trao giải cuộc thi viết “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm“

Sáng 28-8, Báo Người Lao Động tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, phát động cuộc thi lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc".
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021 được tổ chức trực tuyến
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021 được tổ chức trực tuyến

Cuộc thi có sức lan tỏa lớn

Chương trình diễn ra bằng hình thức trực tuyến, với sự hiện diện của khách mời gồm: Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân; Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2; Thượng tá Nghiêm Xuân Thái – Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.

Các thành viên Hội đồng chấm giải gồm: ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM; PGS.TS Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM; Đại tá Đặng Hồng Quân, Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

Tham dự lễ còn có đại diện các đơn vị đồng hành, gồm: ông Phạm Ngọc Tú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xổ số điện toán Việt Nam - Vietllot; bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh; ông Phạm Ngọc Giao, đại diện Ban lãnh đạo Công ty TNHH Hồng Thanh; ông Huỳnh Văn Tẩn, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận - PNJ; bà Trần Thị Đông Phương, Trưởng Bộ phận Truyền thông Đối ngoại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Phát biểu tại lễ trao giải, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cho biết cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021 được Báo Người Lao Động phát động ngày 1-8-2020, với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mọi tầng lớp nhân dân.

Báo Người Lao Động trao giải cuộc thi viết “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm“ ảnh 1
Sau thời gian phát động, nhận bài dự thi, từ ngày 1-8-2020 đến ngày 15-5-2021, Ban tổ chức đã nhận được 191 tác phẩm dự thi của 165 tác giả ở khắp mọi miền Tổ quốc và cả kiều bào ở nước ngoài. Trong đó, khoảng 60% tác phẩm tập trung cung cấp thông tin tư liệu, tài liệu lịch sử khẳng định pháp lý, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là quá trình xác lập, đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 40% tác phẩm là cảm nhận về tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam; ca ngợi sự cống hiến, hy sinh người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư; phản ánh về cuộc sống ngư dân và quá trình bám biển của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; tuyên truyền, kêu gọi về nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền biển đảo trong các tầng lớp nhân dân.

Đối tượng dự thi khá đa dạng, gồm các chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, nhà nghiên cứu lịch sử; giáo viên, sinh viên, nghiên cứu sinh; giới văn nghệ sĩ, hội viên hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành; phóng viên, cộng tác viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; cán bộ, chiến sĩ Hải quân, lực lượng Kiểm ngư đang công tác, thực thi nhiệm vụ trên biển; một số kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Theo ông Tô Đình Tuân, cuộc thi được Hội đồng chấm giải, các nhà chuyên môn đánh giá cao. Các tác phẩm dự thi được đầu tư nghiêm túc, có chiều sâu, phản ánh đa dạng các vấn đề liên quan đến chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

Về chất lượng, ở nhóm nội dung về cung cấp thông tin tư liệu, tài liệu lịch sử khẳng định pháp lý, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, các tác giả đã có nhiều cố gắng, nhất là việc tìm kiếm các cứ liệu, tài liệu chưa công bố chính thức hoặc ít người biết để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ở nhóm nội dung viết về cảm nhận tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam, thông qua hình thức phóng sự, ghi chép, ký báo chí,… nhiều tác phẩm đã xây dựng được hình tượng đẹp đẽ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển. Một số tác phẩm ca ngợi tình yêu biển đảo qua chính những chuyến hải trình đến các đảo, điểm đảo; qua đó truyền tải thông điệp về nâng cao nhận thức, bảo vệ chủ quyền.

Đánh giá về cuộc thi, ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, thành viên Hội đồng chung khảo cho biết, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc thi vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc, với gần 200 tác phẩm dự thi. Điều này thật sự rất đáng quý, chứng tỏ cuộc thi có sự lan tỏa sâu rộng. Các tác giả từ nhiều ngành nghề nhưng đều kể câu chuyện rất xúc cảm của chính mình, kể cả những tác phẩm chưa đoạt giải. "Một số tác phẩm có rất nhiều tư liệu quý, ý kiến hay, không sa vào vấn đề hàn lâm mà nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu, chạm đến trái tim nhiều người", ông Trần Trọng Dũng nhận xét. 

Ông Trần Trọng Dũng khẳng định, đây là một cuộc thi rất có giá trị, đồng thời mong muốn Báo Người Lao Động tiếp tục duy trì, đa dạng, đổi mới nội dung để góp phần tích cực hơn nữa vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nhiều tác phẩm gây ấn tượng

Từ 20 tác phẩm có điểm số cao nhất vào vòng chung khảo xếp hạng, Hội đồng chấm giải chung khảo đã chọn ra 5 tác phẩm tiêu biểu nhất để trao giải (gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích) với tổng số tiền thưởng 120 triệu đồng.

Báo Người Lao Động trao giải cuộc thi viết “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm“ ảnh 2 Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng đánh giá tổng kết cuộc thi

Theo đó, giải nhất (50 triệu đồng) thuộc về tác phẩm "Mộ nước" của tác giả Phương Dung. Giải nhì (30 triệu đồng) thuộc về tác phẩm "Cờ thắm giữa đảo xa" của tác giả Lê Mạnh Thường (bút danh Lam Giang). Giải ba (30 triệu đồng) là tác phẩm "Vạch trần luận điệu sai trái của Trung Quốc" của tác giả Hoàng Việt. Hai giải khuyến khích (mỗi giải 10 triệu đồng) thuộc về tác phẩm "Một lần đến Trường Sa" của tác giả Nguyễn Thanh Tòng và tác phẩm "Phía sau những pháo đài thép" của tác giả Mai Thắng.

Tham dự lễ trao giải từ Pháp vào hơn 3 giờ sáng (giờ địa phương), tác giả Nguyễn Thành Tòng, Nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, không giấu được niềm vinh dự khi đoạt giải. Trước đó, tác giả đã gửi email cho Ban tổ chức, đề nghị chuyển tặng toàn bộ tiền tưởng vào Quỹ vì biển, đảo để động viên các chiến sĩ xa gia đình thực hiện làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

"Trước khi đến Trường Sa, tôi chưa mường tượng điều gì cho đến khi tận mắt thấy sự hy sinh của các chiến sĩ để gìn giữ chủ quyền đất nước Việt Nam, những gia đình sống xa đất liền hay câu chuyện về những đứa trẻ ngoài đảo ngạc nhiên khi lần đầu nhìn thấy trái chôm chôm từ đất liền gửi ra, luôn làm dâng lên nhiều cảm xúc", tác giả Nguyễn Thanh Tòng chia sẻ về tác phẩm của mình.  

Cùng tâm trạng vui mừng, tác giả Hoàng Việt, chuyên nghiên cứu về vấn đề Biển Đông cho rằng, đây là cuộc thi rất thiết thực. Những thông tin, kiến thức cập nhật về biển đảo luôn luôn cần thiết cho mọi người dân. Tuyên truyền hiệu quả nhất là không tuyên truyền gì cả mà chỉ cần nêu lên sự thật, thông tin đầy đủ để người dân hiểu và sẽ có cách ứng xử đúng đắn nhất trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. "Khi viết bài dự thi, tôi không mang tâm thế giành giải mà chỉ nghĩ rằng đây là cuộc thi rất đáng tham gia, nhiều sinh viên của tôi thông qua lời kêu gọi cũng đã gửi bài đến cuộc thi này", tác giả Hoàng Việt chia sẻ thêm.

Hành trình "Mộ nước" kể về sự hy sinh của liệt sĩ Trần Văn Là khi bảo vệ nhà giàn DK1 - Phúc Tần trước bão lớn và câu chuyện xúc động của người con gái hơn 30 năm trông ngóng cha về đã mang về giải thưởng cao nhất cho tác giả Phương Dung. "Là một phóng viên truyền hình, không chuyên về báo viết thế nhưng khi biết tới cuộc thi của Báo Người Lao Động, tôi quyết định viết ra câu chuyện này với mong muốn lan tỏa, đến được với nhiều người. Mang được chai đựng nước biển nhà giàn Phúc Tần về trao cho gia đình liệt sĩ Trần Văn Là là hành trình trọn vẹn và cảm xúc nhận giải hôm nay cũng thật trọn vẹn", tác giả Phương Dung bộc bạch.

Đặc biệt, tại buổi lễ, Ban tổ chức đã kết nối với bà Lê Thị Thính và chị Trần Thị Duyên, là vợ và con gái của liệt sĩ Trần Văn Là tại Quảng Trị để trực tiếp gặp gỡ và chung vui cùng tác giả Phương Dung. Cuộc hội ngộ bất ngờ đã khiến tác giả lẫn khách mời tham dự đều vui mừng và xúc động.

Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần thứ nhất năm 2020-2021, Báo Người Lao Động quyết định mở rộng phạm vi, phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề: "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" và cuộc thi ảnh với chủ đề "Thiêng liêng cờ Tổ quốc".

Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 2 năm 2022 nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với mọi người dân Việt Nam trong nước cũng như đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài; cổ vũ, khuyến khích những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, những đóng góp thiết thực của mọi tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Các cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" là cuộc thi dành cho các tay máy chuyên và không chuyên trên mọi miền Tổ quốc và người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tập trung vào những các nội dung: Thể hiện sự thiêng liêng, hào hùng của lá cờ Tổ quốc; nêu bật lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc; nét đẹp của cờ Tổ quốc trong đời sống lao động, các hoạt động thể dục - thể thao, ngoại giao…

Các tác phẩm dự thi cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" gửi về Báo Người Lao Động là những tác phẩm chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào hoặc trên mạng xã hội; được tính từ ngày phát động (28-8-2021) đến ngày 15-5-2021.

Ban tổ chức dự kiến sẽ trao giải vào ngày 1-6-2022 nhân dịp kỷ niệm 3 năm Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển".

Tin cùng chuyên mục