Bảo hiểm cháy nổ tòa nhà: Ngành bảo hiểm có thị phần lớn

Sau vụ cháy chung cư Carina ở quận 8, TPHCM, vấn đề bảo hiểm cháy nổ nhà cao tầng được nhắc tới liên tục. Kỳ vọng lớn nhất là có bảo hiểm thì việc phòng cháy và chữa cháy (PCCC) sẽ được quán xuyến kỹ càng hơn và hạn chế tối đa thiệt hại.
Hiện trường vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza tại TPHCM
Hiện trường vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza tại TPHCM

Chung cư phải mua bảo hiểm

Theo quy định của  Nghị định số 23/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, từ ngày 15-4 tới, tất cả chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ đều phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. 

Các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ như chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Nghị định này quy định đối tượng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở gồm nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư. Đây sẽ là những đối tượng được doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại do xảy ra cháy nổ. Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trong các trường hợp sau: Cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định pháp luật; cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm, tính từ thời điểm lập biên bản đến thời điểm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC… 

Về mức phí bảo hiểm, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại nghị định. Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật. Đối với cơ sở tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật. Số tiền bồi thường bảo hiểm với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm theo quy định. Giảm trừ tối đa 10% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở không thực hiện đầy đủ các quy định dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra cháy nổ. 

Các trường hợp không được bảo hiểm là tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy nổ; nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy nổ; máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh; thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính; thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai…

Bảo hiểm có tương xứng?

Đầu tiên có thể khẳng định, đối với các dự án chung cư mới xây dựng, hầu hết chủ đầu tư đều đã mua bảo hiểm. Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Him Lam Land, cho biết tất cả tòa nhà do công ty xây dựng đều mua bảo hiểm bắt buộc về cháy nổ, còn mua bảo hiểm từng căn hộ là do sự tự nguyện của cư dân. Chủ đầu tư sẽ mua bảo hiểm công trình khi bàn giao nhà cho cư dân, đến khi cư dân vào ở và bầu được ban quản trị. Sau khi có ban quản trị, chi phí đóng bảo hiểm tòa nhà sẽ do sự đóng góp của cư dân hoặc trích từ nguồn phí bảo trì 2%. Việc mua bảo hiểm cũng xuyên suốt trong trường hợp khách hàng vay mua nhà, ngân hàng yêu cầu phải có hợp đồng mua bảo hiểm…

Tương tự, đại diện Công ty Novaland giải thích, bảo hiểm mua từ ngay giai đoạn đầu xây dựng tòa nhà, khi bàn giao cho ban quản trị, tiền đóng bảo hiểm cháy nổ sẽ thu từ phí vận hành tòa nhà. Chủ đầu tư mua bảo hiểm cho tất cả các hạng mục, từ nhà để xe, thang máy, hồ bơi, nhà sinh hoạt cộng đồng… Còn đối với bên trong căn hộ là do quyền quyết định của cư dân. Tùy quy mô dự án khác nhau, số tiền mua bảo hiểm sẽ khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định mới thì số tiền bảo hiểm tăng lên. Ví dụ tòa nhà Wilton chỉ có 300 căn hộ nhưng tiền bảo hiểm phải đóng lên trên 200 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trước đây. “Novaland có đặt ra chỉ tiêu ISO trong việc mua bảo hiểm, khi bàn giao tòa nhà cho cư dân phải có bảo hiểm, bảo hiểm cho toàn bộ kết cấu tòa nhà, hay nói cách khác tất cả những gì thuộc trang bị của chủ đầu tư đều được mua bảo hiểm”, đại diện Novaland cho biết.

Theo một doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm cháy nổ cho tòa nhà có 2 mặt. Về nguyên tắc, bảo hiểm là đơn vị bán bảo hiểm thu lợi dựa trên xác suất số nhiều, tức mức rủi ro rất thấp. Căn hộ nhà cao tầng là thị phần rất lớn khi cả nước có trên 500.000 căn hộ. Nếu số tiền phải đóng 1 triệu đồng/căn thì khoản tiền bảo hiểm thu lại rất lớn, khoảng 500 tỷ đồng. Về lý thuyết, mặc lợi là đơn vị bán bảo hiểm sẽ đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn chủ căn hộ hoặc công trình làm theo đúng bài bản, trang bị các cơ sở vật chất, dẹp việc lấn chiếm lối thoát hiểm… tức là cùng tham gia PCCC, sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế không phải việc bảo hiểm nào cũng mang lại hiệu quả, ví dụ như vụ cháy chung cư Carina vừa qua lộ ra việc ước tính mức bảo hiểm đền bù chỉ 200 triệu đồng, quá ít so với thiệt hại. Như vậy, chắc chắn không phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để chờ được đền bù thiệt hại khi xảy ra sự cố, mà việc này có thể hiểu theo nghĩa sẽ gia tăng trách nhiệm PCCC của mọi người, bởi đề phòng “giặc hỏa” không bao giờ thừa…

Tin cùng chuyên mục