Bao giờ Việt Nam mới có xếp hạng đại học tin cậy?

Trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics... Việt Nam chưa có trường ĐH nào lọt vào danh sách tốp 1.000.

Như đã thông tin, bảng xếp hạng 49 trường đại học (ĐH) Việt Nam của nhóm chuyên gia độc lập đã gây nhiều ý kiến tranh luận. Đại diện Bộ GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra quan điểm của bộ về vấn đề này.

Vấn đề đặt ra là xếp hạng của nhóm thì chưa tạo được tin cậy, còn chờ cơ quan quản lý thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới xếp hạng được ĐH.

Theo nhóm xếp hạng ĐH Việt Nam, báo cáo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2006 - 2020 có một hạng mục đáng lưu ý: đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu có một trường ĐH lọt tốp 200 ĐH tốt nhất trên thế giới.

Bao giờ Việt Nam mới có xếp hạng đại học tin cậy? ảnh 1 Các trường trong top đầu của bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam 
Nhưng cho đến nay, ĐH Việt Nam chưa được xếp hạng một cách định lượng. Trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics... Việt Nam chưa có trường ĐH nào lọt vào danh sách tốp 1.000.

Điều đó cho thấy, mục tiêu lọt vào tốp 200 ĐH trên thế giới vào năm 2020 không thể nào đạt được. Mặt khác, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH.

Theo đó, các ĐH của Việt Nam được phân thành ba hạng: hạng 1, tương ứng với 30% số trường có điểm cao nhất; hạng 2, tương ứng với 40% số trường có điểm cao thứ 2; hạng 3, tương ứng với 30% số trường còn lại, có mức điểm thấp nhất. Nhưng đã sau 2 năm, bảng xếp hạng phân tầng ĐH vẫn chưa được công bố.

Trong khi đó, đánh giá và xếp hạng đang là mối quan tâm lớn của các trường ĐH trên thế giới. Đặc biệt, từ năm 2003, khi ĐH Giao thông Thượng Hải công bố bảng xếp hạng ĐH toàn cầu lần đầu tiên, và sau đó là sự ra đời các bảng xếp hạng ĐH khác, như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics,… thì việc xếp hạng ĐH đã nổi lên thành một xu hướng mới, thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng giáo dục ĐH.

Không chỉ sinh viên tham khảo kết quả xếp hạng để chọn trường, mà bản thân các trường cũng sử dụng kết quả này để điều chỉnh hoạt động của mình.

Tụt hạng, thăng hạng, hay lọt vào các tốp 100, 200 hay 500 trường ĐH trên thế giới giờ đây trở thành mối quan tâm hàng đầu của các trường ĐH cũng như của các quốc gia đang muốn có nền giáo dục ĐH hội nhập với thế giới.

Trước tranh luận về bảng xếp hạng ĐH vừa qua, đại diện Bộ GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng, việc xếp hạng các trường ĐH cần phải chuẩn bị thật kỹ, thận trọng, kết quả của nó phải có sức thuyết phục.

Trên thế giới có rất nhiều tổ chức xếp hạng ĐH nhưng chỉ có một số rất ít có được uy tín và đưa ra kết quả được nhiều người sử dụng để tham khảo. “Tất cả kết quả xếp hạng cũng đều là thông tin tham khảo.

Tuy nhiên nếu làm không thận trọng sẽ mang lại tác dụng ngược, như làm ảnh hưởng đến uy tín của một số trường, làm “nhiễu thông tin xếp hạng” ảnh hưởng đến những quyết định của các chủ thể căn cứ vào kết quả xếp hạng đó.

Thậm chí có chủ thể có thể lợi dụng xếp hạng để trục lợi (công bố kết quả xếp hạng không đúng thực tế, thu học phí cao sau khi có kết quả xếp hạng không đúng thực tế; chú trọng đầu tư cho một số tiêu chí xếp hạng có trọng số cao mà không tính đến mục tiêu phát triển toàn diện và đáp ứng nhu cầu của người học, phục vụ cộng đồng…)”, bà Phụng nêu quan điểm.

Bộ GD-ĐT ghi nhận nỗ lực của nhóm đã chủ động nghiên cứu và công bố kết quả xếp hạng theo cách tiếp cận độc lập. Tuy nhiên, xếp hạng ĐH cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy, đánh giá trên một bộ tiêu chí khoa học, đầy đủ được thực hiện theo những nguyên tắc, quy trình được nhiều người tham gia thì kết quả xếp hạng mới có độ tin cậy cao, mới được tham khảo rộng rãi.

Những kết quả nghiên cứu, đề xuất chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc thì có thể mang tính tham khảo về học thuật.

Vấn đề đặt ra là Luật Giáo dục ĐH đã ra đời 2 năm (kể từ năm 2015). Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 về phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH... với những quy định cụ thể nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai?

Bà Phụng cho biết, Luật Giáo dục ĐH quy định: Chính phủ ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH theo mỗi tầng, tiêu chuẩn của từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH. Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với ĐH, trường ĐH; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng.

Còn theo Nghị định số 73/2015/NĐ-CP, một trong những tiêu chí để xếp hạng là kết quả kiểm định chất lượng. Trong khi đó, công tác kiểm định theo bà Phụng hiện vẫn “đang được triển khai và tiến triển tốt”. Tức là chưa thể thực hiện xếp hạng ĐH nếu chưa có kết quả kiểm định.

Rõ ràng, các trường được kiểm định chất lượng thì cơ sở dữ liệu sẽ có độ tin cậy, được sử dụng làm một trong những cơ sở để tiến hành xếp hạng thì kết quả xếp hạng sẽ thuyết phục hơn.

Nhưng thời gian qua Bộ GD-ĐT cũng như các trung tâm kiểm định được thành lập đã chậm trễ trong thực hiện, khiến cho việc xếp hạng chưa được triển khai.

Theo Vụ trưởng Giáo dục ĐH thì sắp tới, Bộ GD-ĐT mới đưa vấn đề xếp hạng ĐH vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH để việc xếp hạng của Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế và phù hợp với chủ trương tự chủ ĐH đang được ngày càng mở rộng ở Việt Nam.

Với những gì mà Bộ GD-ĐT cho biết thì chưa biết đến bao giờ Việt Nam mới thực hiện được xếp hạng ĐH? 

Tin cùng chuyên mục