Bao giờ có “Mũi Né 2”?

Hậu… Kê Gà

Tròn 3 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định dừng dự án (DA) xây dựng cảng Kê Gà (tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), có 12 doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dự án này đến nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) khẩn trương giải quyết chi trả trực tiếp cho từng DN, tạo điều kiện cho họ tái đầu tư DA, tránh gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư của địa phương.

KDL Thế Giới Xanh phải bỏ hoang sau khi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng

Hậu… Kê Gà

Đầu những năm 2000, hưởng ứng lời mời gọi đầu tư du lịch của UBND tỉnh Bình Thuận, nhiều DN đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để xây các khu du lịch (KDL), resort nghỉ dưỡng cao cấp nằm ven biển Kê Gà. Lúc ấy, vùng đất này được kỳ vọng sẽ trở thành “Mũi Né 2” của tỉnh Bình Thuận. Thế nhưng, khi các DA đang được rầm rộ triển khai và có dự án đi vào hoạt động thì bất ngờ vào năm 2008, Sở KH-ĐT tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà do TKV làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 20.000 tỷ đồng.

Ngay sau đó, các DN bị buộc phải nhường đất cho DA xây cảng biển nói trên. Vậy nhưng sau nhiều lần trì hoãn, cảng Kê Gà vẫn không được khởi công và đến tháng 2-2013, Thủ tướng Chính phủ khẳng định DA sẽ không đem lại hiệu quả và yêu cầu ngừng xây dựng cảng Kê Gà, giao các đơn vị liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các DN bị ảnh hưởng. Tuy vậy, từ đó đến nay đã 3 năm trôi qua, các DN vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường, hỗ trợ nào từ TKV để tái đầu tư nên hàng chục resort cao cấp nằm ven biển Kê Gà đang trở nên hoang tàn hơn. Trong đó, Khu du lịch Thế Giới Xanh với hơn 50 phòng giờ như một bãi chiến trường. Các phòng nghỉ, nhà vệ sinh, khu ăn uống xuống cấp trầm trọng. Hàng chục căn phòng cao cấp đã hoàn thiện, nay đã bong tróc, mục nát. Những DA du lịch khác như Thạnh Đạt, Thảo My, Phương Bắc, Hương Bắc, Thạnh Lợi… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Có những KDL không người trông coi bị lấy trộm hệ thống dây diện, bóng đèn và nhiều vật dụng khác.

Kiên quyết yêu cầu bồi thường

Từ tháng 12-2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất giá trị các khoản bồi thường, hỗ trợ cho 9 DA có đủ điều kiện được bồi thường, gồm: tài sản, chi phí thiết bị nội thất nhà hàng, phòng nghỉ, hỗ trợ tiền lương, chi phí cơ hội đầu tư, lãi suất tiết kiệm, chi phí điện, nước… với tổng số tiền trên 85,7 tỷ đồng. Trong đó, KDL Thế Giới Xanh và Đồi Phong Lan bị thiệt hại nhiều nhất, được yêu cầu bồi thường trên 36 tỷ đồng mỗi KDL...

Tuy nhiên, sau đó thay vì chấp thuận bồi thường như UBND tỉnh Bình Thuận đã thống kê, thì TKV chỉ đồng ý bồi thường cho các DN bị thiệt hại khoảng 37,5 tỷ đồng (chênh lệch 48,2 tỷ đồng). Theo “giải bày” của TKV, đơn vị này chỉ chi trả phần giá trị có đủ cơ sở pháp lý, tương ứng 37,5 tỷ đồng. TKV còn đề nghị tỉnh Bình Thuận hỗ trợ về cơ chế, chính sách ưu đãi trong đầu tư để các DN tiếp tục đầu tư, chia sẻ chi phí hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cũng như rủi ro của TKV trong đầu tư dự án cảng Kê Gà.

Theo ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, phương án bồi thường cho các DA bị ảnh hưởng trên đã được các bên liên quan bàn bạc thống nhất (trong đó có đại diện của TKV là Công ty Tư vấn Quản lý dự án Vinacomin). Cơ sở tính toán các khoản bồi thường, hỗ trợ đã được UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo cụ thể với các bộ ngành liên quan. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công thương chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ cho các DA du lịch tại cảng Kê Gà theo nội dung đã được thống nhất. Đồng thời, yêu cầu TKV khẩn trương bố trí nguồn kinh phí chi trả bồi thường, hỗ trợ được tính tại thời điểm năm 2015. “Trường hợp bồi thường chậm, TKV phải chi trả thêm khoản tiền chênh lệch về giá do chậm thanh toán cho các chủ dự án du lịch”, ông Phạm Văn Nam, khẳng định.

NGUYỄN TIẾN

Tin cùng chuyên mục