Bao giờ cho đến… bao giờ?

Đoạn video lời qua tiếng lại giữa nhóm du khách trẻ và chủ quán bánh căn tại Đà Lạt được tung lên mạng xã hội gần đây trở thành tâm điểm “ném đá”. Các tài khoản mạng xã hội đua nhau đánh giá 1 sao, báo cáo xấu để “bay màu” fanpage quán. 

Không riêng gì Đà Lạt, nhất là những tỉnh thành có thế mạnh về du lịch, chuyện lời qua tiếng lại với khách hàng là điều không tránh khỏi, chỉ khác nhau ở chỗ là có bị đem lên mạng xã hội hay không?

Bị “bóc phốt” trên mạng xã hội trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều người. Bởi một đoạn video cắt ghép, không rõ đầu đuôi cũng dễ dàng trở thành tâm điểm để cộng đồng mạng cho “bay màu” fanpage của quán, nhà hàng hay điểm du lịch, tệ hơn là ảnh hưởng danh tiếng nặng nề dẫn đến mất khách hàng. Cũng vì thế mà nhiều nơi đã mất vài năm xây dựng thương hiệu, chỉ một video cắt ghép không rõ ràng được tung lên mạng coi như phải làm lại từ đầu.

Chuyện quán bánh căn ở Đà Lạt vừa nguội, thì những tố cáo của một nhà thơ (hiện đang sống ở nước ngoài) cũng được cộng đồng mạng quan tâm bằng những bình luận không thể nào chua chát hơn với người trong cuộc.

Trong tình huống nào cũng vậy, đúng - sai người trong cuộc sẽ rõ nhất. Tuy nhiên, chỉ cần những tin đồn hoặc lên tiếng từ một phía, ngay lập tức đám đông mang tên “cộng đồng mạng” đã nhân danh công lý bằng bình luận, thả icon (biểu tượng) phẫn nộ, đánh “bay màu” tài khoản cá nhân, fanpage bất kỳ ai. 

Những câu chuyện không mới nhưng đến thời điểm hiện tại chưa hề cũ, khi đám đông trên mạng sẵn sàng giận dữ những câu chuyện không liên quan tới mình và “dìm” người khác xuống bằng lời lẽ miệt thị không thương tiếc… Đúng - sai cũng không cần soi rọi dưới góc nhìn pháp luật, mà công lý nằm trong tay kẻ có nhiều lượt thích, chia sẻ.

Những quy định về ứng xử trong không gian mạng xã hội đã có, tuy nhiên để cụ thể và chặt chẽ, không thể một sớm một chiều mà hoàn thiện, vì thế chuyện nhân danh công lý để ném đá, xúc phạm người khác rồi lại ẩn danh nhằm xóa mọi dấu vết vẫn còn. Tuy nhiên, cao hơn mọi quy định hay xử phạt chính là ý thức mỗi người khi tham gia mạng xã hội. Nếu người ta đủ văn minh và tử tế với nhau thì không phải đợi quy định hay luật về hành vi ứng xử trên mạng xã hội.

Và trong nhịp sống 4.0, đôi khi bình tĩnh trước những đám đông trên mạng xã hội cũng là kỹ năng quan trọng. Chuyện không mới nhưng vài ngày lại có một tình huống tương tự, bao giờ thì người ta mới hiểu, ứng xử trên mạng xã hội rất cần tử tế và văn minh với nhau…

Tin cùng chuyên mục