Báo động việc dạy tiếng Anh tại các trường đại học, cao đẳng

Nhân tố nào ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ, thực trạng về đào tạo - thực hành kỹ năng tiếng Anh của sinh viên… là những nội dung được các giảng viên, các nhà nghiên cứu luận bàn sôi nổi tại hội thảo “Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc”, do Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp thực phẩm TPHCM vừa tổ chức. 
Giờ học tiếng Anh với giảng viên nước ngoài của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM
Giờ học tiếng Anh với giảng viên nước ngoài của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM

Chỉ có 4,26% đã được rèn kỹ năng Speaking (nói)

Kết quả khảo sát 294 sinh viên của tác giả Ngô Thị Ngọc Hạnh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho thấy nhiều vấn đề đáng báo động. Thứ nhất, việc tuyển sinh đầu vào đối với sinh viên Khoa Ngoại ngữ cả 2 hệ ĐH và cao đẳng (CĐ) có 2 dạng: xét kết quả từ điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét học bạ (lấy trung bình điểm 3 năm học THPT). Hầu hết các em đến từ các tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam đều cho biết, việc học môn tiếng Anh chỉ chủ yếu để phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp.

Việc xét điểm trung bình 3 năm học phổ thông làm khoa tuyển nhiều sinh viên học yếu tiếng Anh, vì điểm các môn phụ khác cao sẽ có số điểm trung bình cao nhưng trong đó môn tiếng Anh lại thấp; mặt bằng đầu vào không đều nhau do nhiều yếu tố (như học sinh ở tỉnh lẻ, hoặc do cơ hội cuối bắt buộc các em chọn ngành mà không đúng sở trường), từ đó gây ra nhiều khó khăn cho cả việc học và dạy tại Khoa Ngoại ngữ. 

Thứ hai, với câu hỏi “Em đã được rèn luyện kỹ năng Speaking trước khi vào trường ĐH chưa”, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 4,26% đã được rèn kỹ năng Speaking, 78,72% rèn rất ít và 17,02% là chưa bao giờ. Việc yếu kém kỹ năng Speaking cũng dẫn tới sự thụ động và tự ti trong giờ học. Vì vậy,  việc dạy kỹ năng trên lớp rất khó khăn với giảng viên do sự chênh lệch về trình độ và thái độ học tập, ảnh hưởng đến kết quả học tập và năng lực phát triển kỹ năng của môn học. Tình trạng này là do mục tiêu học tiếng Anh ở cấp 3 chỉ để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia dưới hình thức trắc nghiệm.

Dạy và học vẫn theo cách cũ

Bà Lữ Thị Hải Yến, Trường Cao đẳng (CĐ) Sư phạm Đắc Lắc, cho biết: Trong những năm qua, một số giảng viên đã tích cực triển khai sử dụng giáo án điện tử. Tuy nhiên, số lượt lớp học/1 buổi rất nhiều, trong khi số phòng học với các phương tiện nghe nhìn (tivi, máy chiếu) lại thiếu, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy gặp những khó khăn nhất định và không được duy trì thường xuyên.

Bên cạnh đó, việc thiết kế bài giảng điện tử còn nghèo nàn, rập khuôn, ít sáng tạo, chưa chú trọng sử dụng các phần mềm dạy học hiệu quả, chưa phát huy hết công suất và hiệu suất của phương tiện dạy học, chưa cập nhật thông tin trong nước và thế giới thay đổi hàng giờ, hàng ngày. Hơn nữa, việc triển khai sử dụng giáo án điện tử mới chỉ tập trung ở một bộ phận giảng viên. 

Nhiều chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ vẫn chủ yếu theo truyền thống, tức là chú trọng kỹ năng đọc, viết và mục đích chủ yếu là phục vụ cho các kỳ thi chứ chưa thực sự ứng dụng vào thực tiễn công việc. Mặc dù đã có Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 với mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, nhưng đến nay kết quả mang lại của đề án chưa cao, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

Nguyên nhân chính là số giáo viên giảng dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn, một số địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu trầm trọng giáo viên dạy ngoại ngữ. Việc giảng dạy ngoại ngữ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về giao tiếp chuyên môn. Tiếng Việt vẫn còn được sử dụng phổ biến trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên.

Việc áp dụng các mô hình dạy học tiên tiến như mô hình lớp học đảo ngược vẫn còn hạn chế, chưa triển khai rộng rãi và ít được chú tâm, dẫn đến việc giảng dạy tiếng Anh không kích thích được tính chủ động tích cực của người học. Việc thiết kế nội dung giảng dạy và triển khai chương trình đào tạo của các trường cũng ít tham khảo chuyên gia, nhà tuyển dụng và nhu cầu của người lao động, nên nội dung học chưa hữu dụng cho người học. Môi trường thực hành tiếng Anh ở các trường hiện chủ yếu diễn ra ở khuôn khổ lớp học, cùng với hạn chế về thời gian, dẫn đến hiệu quả học không cao.

Một hạn chế nữa cũng được các đại biểu chỉ ra, đó là các trường CĐ-ĐH đã đưa ra các tiêu chuẩn về ngoại ngữ cho sinh viên khi tốt nghiệp, tuy nhiên các quy chuẩn đầu ra thường dựa vào bài thi đánh giá năng lực như TOEIC, TOEFL, IELTS…. Điều này dễ dẫn đến việc dạy và học chạy theo các bài thi hơn là hoàn thiện các kỹ năng cho sinh viên. Hệ thống các bài thi theo Khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện.

Việc cấp phép cho các trường tổ chức thi chưa dựa trên năng lực và điều kiện để đảm bảo chất lượng bài thi như các tổ chức quốc tế, việc tổ chức còn để xảy ra những tiêu cực trong thi cử dẫn đến mất lòng tin của người học vào hệ thống bài thi năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục