Báo động thực phẩm “bẩn”

Dù lực lượng chức năng thường xuyên ra quân, bắt giữ liên tục song vì lợi nhuận nên nhiều cơ sở vẫn kinh doanh thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần lựa chọn mua thực phẩm ở những địa chỉ uy tín.
Người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm ở các điểm bán uy tín
Người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm ở các điểm bán uy tín

Liên tục phát hiện thực phẩm “bẩn”

Những ngày đầu tháng 6 mới đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã liên tục phát hiện và thu giữ hàng loạt sản phẩm như mật ong, chả nấm, mỡ động vật… bị làm giả hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể tại Hải Dương, gần 2 tấn mỡ lỏng đang bốc mùi đã được Cục QLTT Hải Dương phát hiện trên một xe tải. Theo khai nhận của tài xế, toàn bộ hàng được thu mua trôi nổi trên thị trường và đang vận chuyển đi bán cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Hay tại An Giang, lực lượng liên ngành tỉnh này đã tiến hành tiêu hủy 600kg chả nấm hiệu Diễm Trang do không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đã bị bị hư hỏng. Theo lực lượng chức năng An Giang, sản phẩm này dù được sản xuất tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang nhưng trên bao bì không thể hiện ngày sản xuất, hạn sử dụng và không có người thừa nhận.

Mới nhất, chiều 10-6, Đội QLTT số 24, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an huyện Hoài Đức bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất mật ong hoa nhãn tại thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức và phát hiện hơn 2.000 lít mật ong Hương Nhãn đã đóng gói thành phẩm. Đáng nói, tuy sản xuất tại thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức nhưng trên nhãn chai mật ong lại ghi nơi sản xuất là xã Ông Đình, Khoái Châu, Hưng Yên. Tại thời điểm kiểm tra, chủ sản xuất không xuất trình được giấy tờ liên quan như cấp phép sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo khai nhận của chủ sản xuất, tất cả sản phẩm mật ong ở đây được bán trên nền tảng thương mại điện tử facebook... Những vụ việc kể trên cho thấy vì lợi nhuận, không ít đối tượng kinh doanh đang bất chấp, hàng hóa không đảm bảo chất lượng vẫn đưa ra thị trường.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Nhiều ý kiến cho rằng để loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ rất cần sự vào cuộc của nhiều phía, trong đó phía cơ quan chức năng với vai trò kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử phạt những cơ sở, điểm kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng.

Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, thành phố đã triển khai các hoạt động truyền thông và giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường trong mùa dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh truyền qua đường thực phẩm và các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời giúp người dân hiểu đúng và đầy đủ để tự phòng bị. Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và được triển khai đồng loạt trên địa bàn thành phố. Qua công tác thanh, kiểm tra đã xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn các sản phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng.

Tuy vậy, theo Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TPHCM, nếu chỉ cơ quan chức năng ra quân thực hiện là chưa đủ mà về phía doanh nghiệp cũng phải nâng cao trách nhiệm trong sản xuất hàng hóa. Riêng người tiêu dùng nên mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và chọn mua tại các điểm bán uy tín như đại lý chính hãng, siêu thị, cửa hàng đạt chuẩn…

Tin cùng chuyên mục