Báo động ô nhiễm nguồn nước

Trong tuần qua, gần 20.000 người dân ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang phải kêu cứu vì nguồn nước đen ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài hàng chục cây số, phát ra mùi hôi thối nồng nặc, cá chết trôi dạt nhiều nơi.

Hệ lụy, nhà máy nước phải ngừng cung cấp do nguồn nước sông ô nhiễm nghiêm trọng. Đây được xem là lời cảnh báo về những mối nguy hại ô nhiễm đe dọa đến an ninh nguồn nước.

Sự việc dòng nước đen xuất hiện trên sông Nước Đục, huyện Long Mỹ cách đây đã hơn 2 tuần. Bước sang tháng 5-2019, dòng nước đen hôi thối lan đến sông Cái Lớn (thị xã Long Mỹ). Do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng đến khu vực lấy nước thô nên Chi nhánh Cấp nước - Công trình đô thị thị xã Long Mỹ phải dừng lấy nước và cúp nước cục bộ. Cả người dân và lãnh đạo địa phương đều loại trừ nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước do sản xuất nông nghiệp của nông dân. Mọi nghi vấn đều hướng vào một số cơ sở sản xuất công nghiệp. Trong đó, có nhà máy đường đang sản xuất nằm giáp ranh giữa thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ. 

Sự việc này phần nào cho thấy còn nhiều hạn chế trong bảo đảm an ninh nguồn nước tại địa phương. Chẳng hạn trên địa bàn có nhà máy nước công suất 100.000m³/ngày đêm nhưng tỉnh chưa đấu nối vào hệ thống để bảo đảm nguồn nước cho người dân. Một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Sông Hậu (Hậu Giang) lo lắng: “Vấn đề xả thải của các nhà máy sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp đa phần chưa có khu xử lý nước thải tập trung, hoặc có nhưng chưa hoạt động, hoạt động công suất thấp (như Khu công nghiệp Sông Hậu). Vậy chất lượng nước thải vào môi trường hoàn toàn do doanh nghiệp tự xử lý theo tiêu chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước đưa ra rồi tự do thải thẳng vào sông ngòi. Rủi ro nằm ở chỗ ai kiểm soát chất lượng đó? 

Với tính nhạy cảm đặc trưng sông nước, ĐBSCL cần kiên quyết loại trừ “kinh tế nâu - gây ô nhiễm môi trường”! Mới đây, Bạc Liêu đã kiên quyết từ chối một dự án lớn đầu tư vào địa bàn khi thấy có nguy cơ tác động đến môi trường. Nhưng thực tế, các khu, cụm công nghiệp, một số nhà máy nằm ven các tuyến sông Tiền, sông Hậu… vẫn là những mối lo gây ô nhiễm môi trường rất lớn, có thể tác động đến sinh hoạt và sinh kế của hàng triệu người dân trong vùng. 

Một số chuyên gia cho rằng, lãnh đạo các địa phương ĐBSCL nên phối hợp với các công ty cấp nước để kiểm soát tập trung sản lượng nước tiêu thụ của doanh nghiệp, từ đó mới có con số chính xác lượng nước xả thải để kiểm soát được khối lượng nước thải được xử lý trước khi thải vào môi trường để loại trừ những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra như tại thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang vừa qua.

Tin cùng chuyên mục