Báo động người tâm thần gây án

Ngày 2-6, chính quyền xã Đức Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) và gia đình tổ chức lễ tang cho cháu bé 7 tuổi bị đuối nước thương tâm, do anh ruột bị tâm thần nhấn chìm em gái trong bể bơi Trường Tiểu học Đức Ninh. A và B là anh em ruột, bố mẹ làm phụ hồ, có 3 con đều có dấu hiệu bệnh tâm thần. 2 cháu có sổ đi chữa trị nhưng bố mẹ đề xuất điều trị tại nhà.

Theo Bộ Y tế, cả nước có khoảng 13 triệu người (15% dân số) bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, 10 người bệnh chỉ có 2-3 người được chữa trị tại cơ sở y tế, số còn lại sinh sống trong cộng đồng. Trước đó, ngày 12-5, tại nhà bà N.T.P. (xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), ông Nguyễn Ngọc Nhung đã dùng dao sát hại anh N.Đ.S., con trai chủ nhà. Ông Nhung bị bệnh tâm thần, được điều trị tại nhà nhưng thường đi lang thang.

Tình Quảng Bình hiện có khoảng 4.700 bệnh nhân tâm thần, mỗi năm, ngân sách cấp 900 triệu đồng để phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân. Ông Ngô Văn Hóa, Giám đốc Trung tâm Điều trị người bị rối loạn tâm thần Quảng Bình, cho biết, đơn vị đang điều trị 136 người bệnh nặng. Đây là những đối tượng tâm lý bộc phát bất định, được điều trị bài bản. Khi xong phác đồ, tâm lý ổn định mới đưa về địa phương hòa nhập cộng đồng. Theo bác sĩ Lại Văn Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy, không phải người nào bị rối loạn tâm thần cũng có thể gây nguy hiểm cho người khác. Tuy nhiên, điều trị ở cộng đồng sẽ rất khó, nhất là với các gia đình khó khăn. Vì vậy, địa phương cần có người chuyên trách thăm khám định kỳ với người bệnh có sổ điều trị để kịp thời chữa trị, tránh xảy ra các tình trạng đau lòng.

Tin cùng chuyên mục