Báo động cho hạ du hồ Kẻ Gỗ

Do tình hình mưa lũ lịch sử di chuyển từ Thừa Thiên - Huế ra Quảng Trị, Quảng Bình và hiện nay đang hoành hành ở Hà Tĩnh nên chiều 19-10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký công điện đề nghị bảo vệ hạ du hồ Kẻ Gỗ. 

Công điện số 28 do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nêu rõ, hiện nay, tình hình mưa lũ tại khu vực Bắc Trung bộ đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. 

Lượng mưa đến sáng 19-10 ở hồ Kẻ Gỗ: 1.081mm, tại TP Hà Tĩnh: 1.069mm. Theo dự báo trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh này còn tiếp tục mưa lớn với tổng lượng 300-400mm.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ về các tuyến sông và các hồ chứa gia tăng nhanh. Đến sáng nay, mực nước thượng lưu hồ Kẻ Gỗ đã dâng từ 29m lên 33,6m (vượt mức bình thường tới 1,1m); lưu lượng lũ về hồ trên 1.500m3/giây. Từ 9 giờ sáng nay, hồ Kẻ Gỗ phải xả lũ ở mức tối đa (khoảng 1000m3/giây). 

Để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực hạ du, giảm thiểu thiệt hại, Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh rà soát các phương án, huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp đảm an toàn cho công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn; phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu khi có tình huống đặc biệt, sẵn sàng phương án xả tràn sự cố hồ Kẻ Gỗ và triển khai cấp bách đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du.

Huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức sơ tán dân tại các khu vực bị ngập lụt do mưa lũ và ảnh hưởng của xả lũ hồ Kẻ Gỗ; tổ chức lực lượng cảnh báo, canh gác hướng dẫn tại các ngầm tràn, các khu vực bị ngập sâu, chia cắt cô lập, đảm bảo an toàn giao thông.

Lực lượng xung kích tại cơ sở triển khai việc rà soát các khu vực có nguy cơ có xảy ra ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi; thông báo kịp thời các sự cố, các dấu hiệu bất thường gây nguy cơ sạt lở cho chính quyền và người dân để kịp thời ứng phó giảm thiểu thiệt hại.

Mưa lũ từ Quảng Bình đang lan ra Hà Tĩnh. Ảnh theo Tổng cục Phòng chống thiên tai

"Xem xét quyết định cho học sinh tại các khu vực chịu ảnh của mưa lũ, ngập lụt nghỉ học" - công điện nêu.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông về tình hình mưa lũ, vận hành hồ chứa, đặc biệt là khu vực hạ du các hồ chứa, các khu vực thấp trũng, để chủ động các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ địa phương triển khai lực lượng, trang thiết bị, cơ động đến các trọng điểm xung yếu để sẵn sàng hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương khi có tình huống.

Ban chỉ đạo Trung ương cũng cho biết, từ 10 giờ sáng nay 19-10, Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà ở tỉnh Yên Bái bắt đầu xả lũ với lưu lượng 510m3/giây do mưa lũ ở đầu nguồn dồn về.

EVN hỗ trợ miền Trung hơn 2 tỷ đồng

Sáng 19-10, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phát động ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt. Ngay tại buổi phát động, cán bộ công nhân viên của EVN đã quyên góp được số tiền là 157.560.000 đồng, sẽ được chuyển tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam để ủng hộ đồng bào miền Trung. 

Báo động cho hạ du hồ Kẻ Gỗ ảnh 2 Tập đoàn EVN tổ chức phát động ủng hộ đồng bào miền Trung sáng nay 19-10

Trước khi tổ chức buổi phát động này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hỗ trợ khẩn số tiền tổng cộng là 2 tỷ đồng cho các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Bình để chia sẻ với nhân dân và chính quyền các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng.

Tin cùng chuyên mục