Bảo đảm thực chất trong đánh giá tác động chính sách

Ngày 16-7, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị về triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.  
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo chương trình cuối năm 2020 số lượng các dự án được trình, xem xét không nhiều nhưng lại tập trung ở một số cơ quan như Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB-XH (mỗi bộ phụ trách 2 dự án trình thông qua), Bộ Ngoại giao, Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp (mỗi bộ phụ trách 1 dự án trình thông qua)... Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị các cơ quan liên quan lưu ý bảo đảm thực chất trong đánh giá tác động của chính sách. Đặc biệt, cần lưu ý việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, nhất là các đối tượng chịu sự tác động của văn bản; thực hiện tốt việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay từ khâu soạn thảo để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong 6 tháng cuối năm 2020 và năm 2021 là 17 dự án. Một số dự án luật có nội dung phức tạp hoặc phạm vi điều chỉnh có liên quan đến một số luật, dự án luật khác nên trong quá trình phối hợp chỉnh lý cũng như soạn thảo có thể sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)... 

Tin cùng chuyên mục