Bảo đảm quản lý đất đai hiệu quả, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân

Đắk Lắk cần nghiên cứu những vấn đề mới để có định hướng trong thời gian tới, làm sao bảo đảm quản lý đất đai có hiệu quả, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

Đó là yêu cầu của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo trong buổi làm việc trực tuyến ngày 13-7 với Tỉnh ủy Đắk Lắk về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của tỉnh Đắk Lắk.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, chính sách pháp luật đất đai qua các kỳ đại hội luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm nhằm mục tiêu để đất đai được sử dụng hiệu quả, bền vững, đồng thời bảo đảm được sự ổn định và công bằng xã hội. Trong những năm qua, chính sách, pháp luật về đất đai liên tục được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và sự phát triển của đất nước, từ Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 và đến Luật Đất đai hiện hành năm 2013.

Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Đồng chí Trần Tuấn Anh yêu cầu các thành viên tham gia tập trung đánh giá kỹ lưỡng việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, từ đó rút ra những bài học lớn để đề xuất các chủ trương, định hướng lớn trình Trung ương xem xét. Do vậy, trên cơ sở thực tiễn, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của địa phương, Đắk Lắk cần nghiên cứu những vấn đề mới để có định hướng trong thời gian tới, làm sao bảo đảm quản lý đất đai có hiệu quả, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nhất là đồng bào dân tộc ít người cũng như các vấn đề về xã hội, an ninh quốc phòng.

Căn cứ vào báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị Tỉnh ủy Đắk Lắk, các đại biểu cần tiếp tục tập trung làm rõ thêm một số nội dung, đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất với Trung ương như: một số tồn tại, khó khăn chủ yếu trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013 và các luật khác có liên quan vì đây là một trong những nút thắt quan trọng trong quá trình thực thi chính sách pháp luật về đất đai trong thời gian qua, không chỉ riêng Đắk Lắk mà ở hầu hết trên các tỉnh, thành của cả nước; thực trạng quản lý, sử dụng đất rừng, đánh giá hiệu quả sử dụng đất rừng; quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng; đánh giá đời sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, người nông dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực trạng việc quản lý và sử dụng đất tôn giáo trên địa bàn tỉnh…

Tin cùng chuyên mục