Bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, GDP 9 tháng tăng 6,98% - mức tăng cao nhất trong 9 năm qua. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 9 tháng tăng 2,5% - mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.
Ngày 2-10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9
Ngày 2-10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9

Chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam chưa như kỳ vọng

 Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, với khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%. Thu ngân sách nhà nước tăng cao (10,1%), bội chi còn 3,4% GDP, nợ công còn dưới 57% GDP. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng gần 11% so với cùng kỳ 2018… Kết quả quý 3 và 9 tháng cho thấy, trong các tháng cuối năm, nếu không có vấn đề bất thường, tốc độ tăng GDP có thể cao hơn mức 6,8%, vượt mục tiêu Quốc hội giao. 

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng đầu năm 2019 tốt hơn so với dự báo; có những chỉ tiêu tốt hơn cùng kỳ năm 2018. “Khả năng thu ngân sách vượt dự toán 5% Quốc hội giao là khả thi và lần đầu tiên chúng ta đạt con số cao như vậy, khi đến 15-9, thu ngân sách đã đạt trên 1 triệu tỷ đồng”, Thủ tướng nói. Các tổ chức quốc tế có uy tín đều đánh giá cao Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và toàn cầu, đồng thời dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức cao trong năm 2019. 

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm yếu, thách thức. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua (cùng kỳ trên 50%). Sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm cũng giảm. Như vậy, chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do tác động của xung đột thương mại không như kỳ vọng. Các cấp, các ngành nhận thức vấn đề này còn chậm nên nhiều tập đoàn kinh tế lớn chưa vào đầu tư như dự báo. Thủ tướng cũng lưu ý một số rủi ro. Từ bên ngoài, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn phức tạp, khó lường; sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của thế giới, rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Về nội tại, nông nghiệp gặp khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Một số vấn đề xã hội gây bức xúc, nhất là các vụ án giết người dã man, tai nạn giao thông nghiêm trọng, dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, tín dụng đen, ô nhiễm môi trường, úng lụt…

Bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019 ảnh 1 Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất tôn Đông Á (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Do đó, Thủ tướng đề nghị đánh giá đầy đủ tác động của xung đột thương mại giữa các nước lớn đối với nước ta hơn nữa, tác động của thị trường tài chính quốc tế đối với kinh tế Việt Nam, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp; các giải pháp đa dạng hóa thị trường, khai thác tốt hơn các hiệp định đã ký kết; ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối; chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan trong 3 tháng cuối năm để bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019, tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2020. 


Xử lý căn cơ vấn đề ô nhiễm không khí

Trong họp báo Chính phủ diễn ra tối 2-10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông ở Hà Nội đã cơ bản xong phần xây lắp thiết bị đơn lẻ trên hệ thống. Tồn tại lớn nhất hiện nay là việc tổng thầu chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Trong khi, theo quy định thì phải đánh giá xong mới chạy tích hợp các hệ thống. Bộ GTVT đang thuê nhà tư vấn độc lập của Pháp để đánh giá độ an toàn của dự án, chỉ khi đánh giá an toàn, mới được nghiệm thu. Chính phủ đã yêu cầu các bên “phải ngồi lại” để đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2019, với yêu cầu đảm bảo an toàn theo đúng quy định.

Về vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TPHCM, khi kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ TN-MT cùng TP Hà Nội và TPHCM có giải pháp căn cơ, đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí. Tại buổi họp báo, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết các số liệu cụ thể đã được bộ và TP Hà Nội cung cấp. “Kết quả đo mức độ ô nhiễm của các trang mạng nước ngoài chỉ mang tính tham khảo do chưa có sự chuẩn hóa. Người dân nên tiếp cận kết quả đo của trạm quan trắc ở TP Hà Nội, TPHCM và Cục Bảo vệ môi trường để bảo đảm tính chính xác. Chỉ những thiết bị được chuẩn hóa mới đo chính xác, thiết bị cầm tay không chuẩn”, ông Lê Công Thành khuyến cáo. Về dài hạn, Chính phủ đã có kế hoạch hành động quốc gia về cải thiện chất lượng không khí, từ hoàn thiện thể chế tới các biện pháp cụ thể để giảm nguồn phát thải bụi mịn vào không khí. Bộ TN-MT và các địa phương triển khai mạnh mẽ hơn kế hoạch này, dần từng bước cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội, TPHCM.

Về việc tỉnh Sóc Trăng chi gần 1 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng để lắp camera an ninh cho nhà riêng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, mọi chế độ chi tiêu phải theo quy định. Việc chi này không thuộc danh mục trong quy định của ngân sách, ngày 30-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thu hồi số tiền này hoàn trả ngân sách. Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng khẳng định, việc này không đúng, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã kiểm điểm và xử lý. Đây là bài học chung trong việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Liên quan đến vụ việc 9 người Việt Nam bỏ trốn lại Hàn Quốc sau khi đi chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội, đại diện Bộ Công an cho biết đang chỉ đạo điều tra. Đại diện Bộ KH-ĐT cũng cho biết, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là chủ trương đúng đắn để tăng cường khả năng kết nối, mở rộng cơ hội kinh doanh. Hiện bộ cho rà soát các khâu, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm. 

Tin cùng chuyên mục