Bán xăng dầu nhỏ giọt: Tiếp tục “găm hàng”?

Xung quanh việc các cửa hàng xăng dầu bán hàng theo hạn mức khiến người dân bức xúc, ghi nhận thực tế cho thấy, nguồn cung không thiếu nhưng có tình trạng “găm hàng” chờ tăng giá.
Ngày 18-2, một số cửa hàng xăng dầu chỉ bán theo hạn mức. Ảnh: QUỐC HÙNG
Ngày 18-2, một số cửa hàng xăng dầu chỉ bán theo hạn mức. Ảnh: QUỐC HÙNG

Bán ít để cắt lỗ

Sáng 18-2, trên đường ra sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tôi vừa tấp xe vào trụ cửa hàng xăng dầu 195 (Công ty TNHH MTV- KVXD Tây Nam), số 184 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận, vừa hạ kính xuống chưa kịp ra khỏi xe, cô nhân viên bán xăng tiến sát cửa xe vừa đưa 3 ngón tay nhanh nhẩu nói: “Chỉ được đổ tối đa 300.000 đồng thôi nha”. “Đổ đầy bình chứ?”, tôi yêu cầu. “Do xăng chưa nhập về kịp, chỉ bán vậy thôi, ô tô chứ xe máy chỉ bán 30.000 đồng thôi”, cô nhân viên trả lời. “Cây xăng bán vậy lâu chưa?”, tôi thắc mắc. “Bán cả tuần nay rồi”, cô nhân viên trả lời. Tại đây, hàng chục xe gắn máy xếp hàng chờ đến lượt đổ xăng trong khi 2-3 nhân viên túc trực bán xăng đều nhắc đi nhắc lại rằng, mỗi người chỉ được đổ 30.000 đồng.

Anh Nguyễn Văn Huy, chủ chuỗi cửa hàng xăng dầu tư nhân S.V cho biết, lâu nay lấy nguồn qua thương nhân phân phối Công ty hóa dầu B.T. Những ngày qua, cửa hàng nhập về vẫn có hàng nhưng phải chịu lỗ 300 đồng/lít, cộng thêm chi phí nhân viên, mặt bằng… lỗ khoảng 800 đồng/lít. “Bán thì lỗ, không bán thì bị cơ quan chức năng xử phạt, nên chúng tôi phải bán định mức cho khách hàng”, anh Huy buồn rầu nói. Trong khi đó, chúng tôi tìm hiểu các hệ thống cây xăng thuộc Petrolimex thì không có tình trạng nói trên!

Xử lý trường hợp để thiếu xăng dầu

Thực tế, tình trạng bán hàng theo hạn mức hiện chỉ xảy ra tại các cửa hàng xăng dầu tư nhân, nhỏ lẻ. Đối với các cửa hàng thuộc khối 100% vốn nhà nước hoặc cổ phần thì vẫn hoạt động bình thường, thậm chí tăng công suất và có dự trữ nguồn cung trên 1 tháng theo quy định. Chủ tịch Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) Võ Văn Tân khẳng định, toàn bộ hệ thống đại lý, cửa hàng xăng dầu của đơn vị quản lý vẫn hoạt động bình thường.

Trong đó, có một số cửa hàng xăng dầu còn tăng thêm giờ hoạt động để phục vụ nhu cầu khách hàng. Hiện mỗi tháng, năng lực của doanh nghiệp cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 tấn, nhưng luôn tăng dự phòng thêm 10%-15% để đảm bảo an ninh năng lượng. Tương tự, Trưởng phòng Kinh doanh xăng dầu Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) Huỳnh Ngọc Thành cũng xác nhận, toàn bộ đối tác và cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường, không có trường hợp bán hạn mức và cam kết không thiếu nguồn cung.

Chiều 18-2, Sở Công thương TPHCM đã có văn bản khẩn, đề nghị UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý địa bàn, công tác phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh nhằm kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Ngày 18-2, ghi nhận của PV Báo SGGP tại tỉnh Đồng Nai, tình trạng các cây xăng trên địa bàn ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt vẫn diễn ra ở TP Biên Hòa. Cụ thể, tại cây xăng Ngã 3 Vũng Tàu nằm trên quốc lộ 1 (phường An Bình) có đông người qua lại ghé đổ xăng nhưng nhân viên ở đây thông báo hết xăng RON 95, chỉ còn xăng RON 92 và chỉ đổ tối đa 50.000 đồng/xe máy. Nhân viên cây xăng giải thích xăng về chưa kịp nên chỉ bán được mức đó, nếu muốn đổ xăng RON 95 thì chạy đến các cây xăng ở vùng ven. Tình trạng này cũng diễn ra ở các cây xăng Tân Biên trên quốc lộ 1 (phường Tân Biên), một số cây xăng ở phường Tân Hạnh (TP Biên Hòa).

HOÀNG BẮC

Sở cũng đề nghị các thương nhân đầu mối, phân phối tiếp tục chủ động về nguồn cung xăng dầu cho hệ thống phân phối; tổ chức dự trữ, cung ứng kịp thời theo tiến độ và kế hoạch cho các thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý, đại lý. Các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tiếp tục duy trì hoạt động, đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng dầu, nhu cầu thiết yếu của người dân; đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... theo quy định; báo cáo kịp thời về Sở Công thương trường hợp nguồn cung xăng dầu hạn chế, gián đoạn để kịp thời điều phối, bổ sung đảm bảo duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nghiêm cấm các hành vi đầu cơ, tích trữ, gom hàng, hạn chế kinh doanh, kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chất lượng và các hành vi vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

 Đối với các trường hợp thiếu nguồn cung cục bộ, Sở Công thương đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu điều phối, bổ sung kịp thời nguồn cung, đảm bảo duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp theo đúng quy định.

Thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu

Ngày 18-2, thông tin từ Bộ Công thương cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp triển khai quyết định của Bộ Công thương về thanh tra việc chấp hành quy định về kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu. Theo đó, có 33 doanh nghiệp đầu mối thuộc diện thanh tra trong đợt này và danh sách 33 doanh nghiệp đầu mối đã được công khai.

Đoàn thanh tra của bộ sẽ đánh giá chung về hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời kỳ thanh tra (từ ngày 1-1-2021 đến 11-2-2022); làm rõ các điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu như giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, giấy xác nhận đủ điều kiện thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đoàn cũng sẽ thanh tra, kiểm tra hệ thống phân phối xăng dầu, bao gồm: cửa hàng bán lẻ, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu và làm rõ các vấn đề như việc đăng ký hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối, báo cáo số liệu nhập - xuất - tồn kho xăng dầu; báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình thực hiện nhập khẩu xăng dầu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, xuất khẩu xăng dầu.

Về hoạt động kinh doanh xăng dầu, đoàn thanh tra làm rõ việc mua xăng dầu của các doanh nghiệp thuộc diện thanh tra, từ các hợp đồng xuất nhập khẩu xăng dầu với các đối tác trong và ngoài nước, hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu được Bộ Công thương phân bổ... đến các hợp đồng mua xăng dầu từ các nhà máy sản xuất xăng dầu, các thương nhân đầu mối trong nước; báo cáo khối lượng xăng dầu nhập vào từ ngày 1-1-2021 đến 11-2-2022. Với xăng dầu nhập khẩu, đoàn thanh tra làm rõ đơn vị nào cung cấp, hợp đồng, tờ khai nhập khẩu, thời gian nhập khẩu, thực tế nhập kho ra sao. Về tiêu thụ xăng dầu và bán lẻ, đoàn thanh tra yêu cầu báo cáo sản lượng bình quân ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một ngày của tháng 12-2021, tháng 1 và tháng 2-2022.

PHÚC VĂN

Tin cùng chuyên mục