* Việt Nam và Nhật Bản ký kết hợp tác MOU trị giá trên 22 tỷ USD

Bàn về tương lai châu Á

Trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Nhật Bản, sáng 5-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu mở đầu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, tổ chức tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Đề xuất ba nhóm giải pháp chính Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia châu Á và hơn 500 đại biểu từ các tổ chức khu vực và quốc tế, giới học giả, doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là khách mời danh dự của Hội nghị năm nay. Hội nghị Tương lai châu Á là sự kiện được tổ chức thường niên bởi tập đoàn truyền thông Nikkei. Diễn ra trong hai ngày 5 và 6-6, với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á”, hội nghị  tập trung thảo luận về các xu thế, yếu tố ảnh hưởng lớn tới tương lai của châu Á như làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân túy, quan hệ giữa các nước lớn và thay đổi trật tự thế giới, sự phát triển của ASEAN, Trung Quốc và khu vực Nam Á, tình hình an ninh của châu Á. Các đại biểu cũng trao đổi các biện pháp mà các nước châu Á cần thực hiện trong bối cảnh mới để duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm phát triển bền vững tại mỗi quốc gia và cả châu lục. 
Bàn về tương lai châu Á ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến việc ký kết một số văn kiện hợp tác 
của các công ty Việt Nam - Nhật Bản
 Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật vai trò động lực tăng trưởng chủ chốt của châu Á đối với quá trình toàn cầu hóa, chỉ ra những thách thức lớn mà châu Á đang phải đối mặt và đề xuất ba nhóm giải pháp chính gồm: duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc; giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế. Thủ tướng nêu ba định hướng lớn mà Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi trong giai đoạn tới là: kiến tạo các cơ hội phát triển cho đất nước thông qua tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia vào các cấu trúc quản trị toàn cầu; kiến tạo môi trường thuận lợi nhằm phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân và khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu dựa trên năng suất lao động và năng lực sáng tạo của nền kinh tế; cân bằng giữa chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế với quản lý hiệu quả các nguồn lực và chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với thực tế và đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 
Ngay sau bài phát biểu mở đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại về một số nội dung trong chủ đề của hội nghị, trong đó có vấn đề về vai trò của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); thách thức ô nhiễm môi trường đối với Việt Nam; vấn đề đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam Chiều cùng ngày, tại Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam. Hội nghị do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng BTMU (Nhật Bản), Ngân hàng Viettinbank phối hợp tổ chức. Với số lượng 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam tham dự cho thấy tầm quan trọng và quy mô của hội nghị này; đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm và mong muốn to lớn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản xúc tiến các hoạt động đầu tư vào Việt Nam.   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông tin về những lĩnh vực công nghiệp Việt Nam đặt trọng tâm phát triển vượt bậc như: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu, môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô…; và mong muốn nhà đầu tư Nhật Bản sớm đầu tư vào các lĩnh vực này. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân đều đang phát triển rất mạnh mẽ, theo đúng tinh thần đối tác chiến lược sâu rộng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chính phủ sẽ giải quyết một cách thỏa đáng trong quá trình xây dựng chính sách trong thời gian tới.   Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Vietinbank và Ngân hàng BTMU tổ chức.   Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori.
Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao 36 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác MOU trị giá trên 22 tỷ USD. Trong đó có dự án Điện Nghi Sơn 2, trị giá 2,793 tỷ USD; dự án Trung tâm thương mại Aeon Hà Đông, trị giá 200 triệu USD; sân golf Sakura Hải Phòng, trị giá 40 triệu USD; dự án hợp tác của Vietjet Air, trị giá 38 triệu USD; thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn TH và Tập đoàn ITEC của Nhật Bản về xây dựng Tổ hợp Y tế và chăm sóc sức khỏe công nghệ cao. 

Tin cùng chuyên mục