Việt Nam rà soát tình hình triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp

Ngày 9-12, tại TP Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM).

Theo kế hoạch, hội nghị gồm 2 phiên chính, tập trung vào các nội dung rà soát tình hình thực hiện kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM và trao đổi những phương hướng cần thúc đẩy trong thời gian tới

Tham dự hội nghị có khoảng 80 đại biểu đến từ các sở - ban - ngành địa phương, các cơ quan trung ương thuộc các Bộ: Quốc phòng; Công an; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp; Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Tổ chức Di cư quốc tế.

Theo báo cáo năm 2022 về tình hình di cư thế giới của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), có khoảng 281 triệu người di cư quốc tế trong năm 2020, chiếm khoảng 3,6% dân số thế giới, trong đó ước tính sụt giảm khoảng 2 triệu người do tác động của đại dịch Covid-19. Dự đoán, đến năm 2030, sẽ có khoảng hơn 350 triệu người di cư. 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, đại biểu đã có những đóng góp hết sức tập trung, xây dựng, tích cực về những vấn đề ưu tiên, phương hướng triển khai trong thời gian tới nhằm triển khai một cách toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ của kế hoạch.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội nghị

Các ý kiến đều tập trung vào những vấn đề, cụ thể như: tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan đặc biệt là theo dõi, chia sẻ số liệu, thông tin, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài để kịp thời nắm bắt, xử lý các vấn đề phát sinh, bảo hộ nhanh chóng, tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Thỏa thuận GCM, các vấn đề di cư quốc tế, những rủi ro của di cư cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác liên quan. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về cư trú, xuất nhập cảnh, cấp phát giấy tờ quốc tịch, hộ tịch, kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu nước ngoài, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam; quản lý chặt, kịp thời phát hiện xử lý các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái phép, nhất là trên các trang mạng xã hội.

Ngoài ra, tiếp tục các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người di cư hồi hương, bao gồm phụ nữ di cư và trẻ em. Tiếp tục hợp tác về di cư với các nước theo các mô hình, cấp độ hợp tác phù hợp, hiệu quả, giữa địa phương Việt Nam với địa phương nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực di cư lao động, việc làm.

Việc triển khai Thỏa thuận GCM cũng như giải quyết các vấn đề di cư, ông Nguyễn Minh Vũ cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam là luôn ủng hộ cách tiếp cận mở, bao trùm, công bằng và toàn diện về di cư cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; cần tăng cường đối tác toàn cầu để huy động nguồn lực, tập trung vào các vấn đề ưu tiên và mới nổi, đảm bảo tính chắc chắn và tính dễ dự đoán của các kênh di cư hợp pháp và an toàn; đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục