Bản sắc văn hóa là tấm hộ chiếu khi hội nhập

Hôm nay 18-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học về giá trị tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 
Một buổi biểu diễn đờn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức
Một buổi biểu diễn đờn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức

Cụm từ phát triển văn hóa, vừa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, sức mạnh nội sinh và là động lực quan trọng để phát triển đất nước, được đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong các bài viết tại tác phẩm trên, lưu ý về một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng ta. 

Giữ văn hóa - lưu bản sắc 

Trong làn sóng hội nhập và giao lưu văn hóa, “chiếm dụng văn hóa” trở thành vấn đề đặt ra tại nhiều quốc gia, trước làn sóng tiếp biến văn hóa từ bên ngoài. Nỗi lo mai một các giá trị truyền thống không phải ngẫu nhiên, điều đó cũng thể hiện trong các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm trên.

Hội họa hay nghệ thuật nói chung luôn chịu tác động bởi những xu hướng mới, đó là cách để người sáng tạo đến gần và chinh phục khán giả đương thời. Triển lãm Kỳ ẩn Việt Nam diễn ra tại Thư quán - Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám vào tháng 5-2022, thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả bởi những di sản kiến trúc Việt Nam như: “Vương cung Thánh đường Sở Kiện” (Hà Nam), chùa Bà Đanh (Hà Nam), Khuê Văn Các (Hà Nội), Nhà Rông (Tây Nguyên)… được họa sĩ 9X Nguyễn Thanh Vũ thể hiện qua chất liệu sơn dầu theo trường phái hậu ấn tượng, gây hiện ứng mạnh về mặt thị giác cho người xem.

Chọn lối đi theo chủ đề không quá mới, hay phù hợp với thị hiếu số đông, họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ chia sẻ: “Với tôi, bề dày lịch sử của đất nước có rất nhiều bản sắc văn hóa để mình tìm tòi, học hỏi, cũng như một thế hệ sẽ vững vàng khi họ hiểu thấu giá trị của tiền nhân để lại. Từ góc nhìn của một người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật thị giác, tôi luôn đề cao các tác phẩm nghệ thuật sử dụng chất liệu truyền thống. Bởi nó là nền tảng của cả một quá trình phát triển của dân tộc, là phương tiện để mình giới thiệu văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế và là cơ hội để người trẻ có thể làm mới những điều đã cũ trên những phương tiện, kỹ thuật của thời đại mới”.

Mạch sáng tạo của nghệ thuật đôi khi còn phải bắt kịp sự phát triển của công nghệ, nhất là lĩnh vực digital art (tạm dịch: nghệ thuật số/nghệ thuật kỹ thuật số). Hài hòa hình dáng tà áo dài truyền thống để làm bộ font chữ phục vụ miễn phí cho cộng đồng, nhà thiết kế mỹ thuật Đỗ Trọng Đạt bày tỏ: “Làm việc trong lĩnh vực sáng tạo đòi hỏi mình phải biết bắt kịp xu hướng, trào lưu để đáp ứng nhu cầu làm mới liên tục của khách hàng, tuy nhiên không phải chạy theo những trào lưu mới là đủ, mà hơn hết tác phẩm của mình phải mang lại một giá trị đẹp cho cộng đồng”.

Về vấn đề này, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Quốc hội, cho rằng: “Sự va chạm giữa các nền văn hóa có thể khiến một nền văn hóa mạnh lên, cũng có thể khiến nó yếu đi, tùy vào khả năng đề kháng của nền văn hóa đó. Khả năng đề kháng phụ thuộc vào giá trị của văn hóa truyền thống cũng như ý thức của thế hệ ngày hôm nay đối với những vấn đề của văn hóa”.

Rõ ràng, bản sắc văn hóa như một tiêu chí, một danh hiệu, một giá trị, một tấm hộ chiếu để hội nhập toàn cầu. 

"Cần phát huy tối đa sức sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ và tính ưu việt, đặc trưng của các loại hình cụ thể như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, kiến trúc, văn nghệ dân gian, lý luận, phê bình văn nghệ để tạo nên tính đa dạng trong khám phá, sáng tạo cuộc sống và con người, đồng thời tìm phương thức phù hợp để hội tụ mọi sự sáng tạo đó vào mục tiêu cao nhất: Nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới" - Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Vai trò sáng tạo trẻ

Trong một bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ cần phải nói và viết nhiều hơn về thời đại, về cuộc sống, nhưng quan trọng là nói và viết như thế nào? Đồng chí viết: Nhiều người thường bảo, văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó, đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình…

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TPHCM, hiện nay, trang viết của người trẻ rất đa dạng, vì họ có cơ hội tiếp xúc với nhiều xu hướng sáng tạo phong phú trên thế giới, cũng như có điều kiện để đưa những thể nghiệm chênh vênh ban đầu đến công chúng. Thế nhưng, một hạn chế để những người viết trẻ chứng minh bản lĩnh của họ, chính là tinh thần chuyên nghiệp, khi không mấy bạn trẻ dám xem văn chương như một nghề dấn thân. 

“Nhiều người viết trẻ sa vào hai ngã rẽ, hoặc chiều chuộng thị hiếu nhất thời, hoặc nhanh chóng cạn kiệt đam mê. Giới trẻ bây giờ rất năng động, họ thừa khôn ngoan để chọn lựa những con đường hanh thông về danh lợi, nhưng lại thiếu nỗ lực để khai phá hành trình văn chương nhiều ái ngại nhọc nhằn. Cách nhìn, cách nghĩ tươi mới của người trẻ chỉ thực sự thăng hoa thành tác phẩm, khi họ tự tin sống với văn chương và sống vì văn chương. Đặc biệt, tìm được ưu điểm cá nhân để phát huy thành nét độc đáo trong sáng tạo, là một điều mà nhiều người viết trẻ chưa chú trọng”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói.

Trong dòng chảy không ngừng tiếp nhận cái mới của cuộc sống, những giá trị truyền thống giúp mỗi người trẻ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hình thành nên bản sắc riêng cho chính mình trong môi trường hội nhập văn hóa đa chiều. Nền văn hóa này nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người và là bản sắc làm nên sự khác biệt cho mỗi chúng ta với cộng đồng quốc tế, đó cũng là niềm kiêu hãnh để mỗi người tự hào giới thiệu hai tiếng Việt Nam đến bạn bè năm châu. Do vậy, lực lượng văn nghệ sĩ trẻ phải nhận thức được việc góp phần xây dựng, bồi đáp một nền văn hóa bồi dưỡng, nâng cao con người trong tiến trình hội nhập toàn cầu.

KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TPHCM: Phải có thực tế để sáng tác

 Những người đã bước chân vào làm văn hóa nghệ thuật bao giờ cũng mong muốn có những tác phẩm thật tốt, để đời thông qua sự đánh giá của xã hội và công chúng. Muốn đạt được như vậy, họ phải có một kiến thức sâu rộng về chuyên môn, lĩnh vực mà họ sáng tác. Và càng ngày, họ càng phải nỗ lực để nâng mình lên nếu muốn đi xa và có những tác phẩm lớn. Ngoài điều kiện về kiến thức thì những nghệ sĩ trẻ cần phải lao động sáng tạo. Quá trình này phải liên tục, đừng quan niệm rằng, làm nghệ thuật chỉ cần tài năng và sự xuất chúng. Điều đó chưa đủ mà còn cần lao động, lao động và lao động. Ở bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống, muốn thành công, phải lao động, phải có thực tế để sáng tác. Đó là điều kiện để văn nghệ sĩ trẻ, kể cả những người lớn tuổi có thành công rồi, vẫn phải tiếp tục trau dồi. 

Cơ chế, hay sự đầu tư cho văn nghệ sĩ trẻ là điều cần thiết nhưng vẫn phải khẳng định rằng, chủ thể của các tác phẩm văn học nghệ thuật chính là tác giả. Tác phẩm ra đời trước hết vẫn từ sự nung nấu, từ nhu cầu tự thân của tác giả. Sự quan tâm trực tiếp đến các văn nghệ sĩ trẻ còn là cách để khuyến khích họ, tránh trường hợp giống như “thả nổi”, ai sáng tác được cái gì đó thì mình khen. Chúng ta cần đầu tư cả về vật chất lẫn tinh thần, và sự đầu tư này phải đến ngay từ đầu. Quan trọng không kém là cần phải có sự tiếp cận và hội nhập với những đỉnh cao nghệ thuật của thế giới. Còn nếu chỉ trong nước với nhau, đến một lúc nào đó mọi thứ sẽ chững lại. Trong khi đó, xu hướng của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ bây giờ là muốn vươn ra xa hơn nữa so với các thế hệ đi trước. 


GS-TS, nhà điêu khắc NGUYỄN XUÂN TIÊN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM: Điểm nhấn bản sắc Việt

Nhắc đến truyền thống, vẫn có người còn bó hẹp đó là tranh Đông Hồ, hay tượng điêu khắc đình chùa. Thực tế không phải vậy, nghệ thuật truyền thống có nhiều giá trị và khía cạnh khác nhau. Giá trị truyền thống cũng được mỗi nghệ sĩ thể hiện theo cách khác nhau, nó nằm trong bản sắc sáng tạo của mỗi người. 

Một bức tranh, hay một tượng điêu khắc phù hợp với thị hiếu nghệ thuật đương thời, gu thẩm mỹ của công chúng đương thời…, nhưng qua đó vẫn toát lên hồn cốt Việt, bản sắc Việt, thì đó mới là thành công. Còn nếu chỉ chạy theo những xu hướng nước ngoài, để bắt kịp trào lưu, hay tạo ra sự độc lạ trong sáng tạo, chưa chắc đã thành công, bởi một tác phẩm của nghệ sĩ Việt nhưng nhìn vào đó không cảm nhận hồn cốt Việt, thì không thể có giá trị đường dài và chinh phục đông đảo công chúng được.

Tin cùng chuyên mục