Bản sắc & hội nhập

Liên hoan phim Việt Nam 21 vừa tổ chức từ ngày 23 đến 27-11-2019 tại thành phố Vũng Tàu đã lấy tiêu chí: Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam Dân tộc, Nhân văn, Sáng tạo và Hội nhập, thay cho tiêu chí của Liên hoan phim Việt Nam 20: Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Hiện đại và Nhân văn. 

Hai từ Dân tộc đứng đầu để thay cho hai từ Hiện đại đã cho thấy rõ trọng tâm của điện ảnh Việt Nam hiện nay chính là giữ bản sắc dân tộc để cùng hội nhập… 

Giữ gìn bản sắc

Trước sự du nhập dữ dội của nhiều luồng văn hóa nước ngoài, sự vay mượn trở nên đáng báo động! Đó không phải là vấn nạn của Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa mà chính là nỗi lo chung của hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới hiện nay.

Suy nghĩ của Thomas L.Friedman, một nhà báo nổi tiếng của tờ NewYork Times, đã khái quát vấn đề này: “Một đất nước không có rặng cây ô liu khỏe khoắn sẽ không bao giờ có được cảm giác nguồn gốc được duy trì hay an tâm để hội nhập với thế giới. Nhưng một đất nước chỉ có rặng cây ô liu không thôi, chỉ lo cội rễ mà không có xe Lexus thì sẽ không bao giờ tiến xa được. Giữ cân bằng 2 yếu tố trên là cuộc vật lộn triền miên”.

Sự “vật lộn ấy” chính là quá trình thẩm thấu để mỗi quốc gia vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà vẫn đứng ngang tầm thời đại.

Bản sắc & hội nhập ảnh 1 Tình phụ tử trong phim Cha cõng con
Những năm kháng chiến, tuy rất gian khổ, nhưng chúng ta có một đời sống văn hóa cao, bởi vì lúc đó cuộc sống chúng ta cơ hồ thoát được sự tha hóa của tiền bạc và quyền lực. Vậy làm thế nào trong nền kinh tế thị trường, chúng ta vẫn giữ được nền văn hóa, giữ được con người và cuộc sống có văn hóa?

Đó chính là nỗi băn khoăn lớn hiện nay, một câu hỏi day dứt cần được giải tỏa: “Cái giá phải trả cho kinh tế thị trường phải chăng là sự tàn phá văn hóa?”.

Có lẽ điều lớn nhất mà Nhà nước phải quan tâm chính là con người của nền kinh tế thị trường. Bởi đồng tiền tự nó không xấu, vấn đề là phải biết sử dụng nó vào những mục đích tốt đẹp. Văn hóa cần tiền nhưng văn hóa không chạy theo tiền, lấy tiền làm mục đích. 

Trước đây, hãng Mosfilm của Nga từng lao đao trước cơn cuồng nộ của thị trường, dân Nga ào ạt đón nhận Hollywood như một luồng gió mới, nhưng rồi sau đó, họ đã cảm nhận thấm thía sự thiếu thốn và đau đớn từ sâu thẳm trái tim kiêu hãnh của một dân tộc vĩ đại khi chính mình không còn đứng vững trên nguồn cội của mình… Đó chính là tiếng gọi của niềm tự hào dân tộc, của một nền văn hóa vĩ đại không thể gục ngã trước cơn sóng dữ của thị trường.

Ở Nga hiện nay, mỗi năm có khoảng 60 phim được Nhà nước tài trợ (50%) để sản xuất. Phần còn lại là phim của các hãng tư nhân. Hãng Mosfilm vẫn trực thuộc Bộ Văn hóa Nga, còn Hãng phim Truyện Việt Nam, Hãng phim Giải Phóng hiện đang bị cổ phần hóa và đẩy ra thị trường…

Văn hóa dân tộc là đạo lý, tình nghĩa, là tâm hồn, là cách sống của người Việt Nam. Nó phải thấm sâu vào máu thịt của từng người Việt bằng một không khí xã hội trong lành cộng với sự giáo dục lâu dài từ thuở nằm nôi của mỗi tâm hồn Việt Nam.

Nó vừa hòa trong cái chung của xã hội vừa được thấm nhuần trong từng mái ấm gia đình. Thời chiến tranh, cuộc chiến đấu của dân tộc được Quốc tế biết đến là nhờ những thước phim làm lay động lòng người của Hãng phim Truyện Việt Nam. Vì thế, chính Nhà nước phải giữ lấy điện ảnh, giữ lấy hai hãng phim Truyện ở hai đầu Nam, Bắc, vì đó chính là tiếng nói, là tâm hồn của cả dân tộc Việt Nam. 

Sức trẻ dấn thân

Những đạo diễn thế hệ trước của các hãng phim nhà nước hiện nay phần lớn đã vào lứa U60, U70, nghĩa là để theo kịp trào lưu mới của thế giới họ phải tiếp cận, học tập và tự làm mới mình. Công nghệ điện ảnh ngày càng phát triển như vũ bão, đứng lại một ngày là lùi xa vạn dặm…

Nhìn vào phong cách làm phim của các đạo diễn trẻ ta có thể nhìn thấy điều đó. Những Vũ Quốc Việt (Victor Vũ), Lê Nhật Quang (Leon Quang Lê), Nguyễn Chánh Trực (Charlie Nguyễn), Vũ Ngọc Phượng, Đinh Tuấn Vũ, Lương Đình Dũng, Lê Văn Kiệt, Ngô Thanh Vân, Phan Gia Nhật Linh, Phạm Huỳnh Đông… là những gương mặt đáng tin cậy với những thành tựu nổi bật hiện nay.

Một Ngô Thanh Vân (Việt kiều Na Uy) dũng cảm đưa kịch bản Song Lang vào sản xuất dù biết chắc 100% sẽ không lấy được vốn, đã đồng hành cùng đạo diễn Lê Nhật Quang (Việt kiều Mỹ) với tình yêu cháy bỏng cùng sân khấu cải lương đã làm nên một Song Lang khắc khoải, thiết tha như gõ vào trái tim người xem một tình cảm day dứt về một loại hình nghệ thuật dân tộc đang dần phôi pha…

Và một Lương Đình Dũng tâm huyết với phim Cha cõng con, lấy bối cảnh từ một vùng quê nghèo Việt Nam ở ven sông luôn đối mặt với lũ quét hàng năm, đó chính là tâm huyết của những người trẻ, luôn hướng về cội nguồn dân tộc.

Bản sắc & hội nhập ảnh 2 Nam diễn viên Liên Bỉnh Phát (bên phải) và ca sĩ Isaac trong phim Song Lang
Tôi được biết chính cô Pilar Aessandra, người từng được đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg chọn là trưởng phòng phân tích kịch bản khi thành lập hãng Dream Works đã góp ý chân thành khi Lương Đình Dũng trao kịch bản Cha cõng con cho cô.

Anh đã chia sẻ với báo chí là cô đã chỉnh sửa tỉ mỉ, rất cảm động khi đọc kịch bản này, và dặn dò anh đừng hướng nội dung theo Hollywood mà làm mất chất Á Đông. Bởi vẻ đẹp của tình phụ tử và bối cảnh trong câu chuyện mang đậm tính thuần Việt chính là cái ta đang có, là cái mà mọi người muốn biết và muốn xem.

Cũng như phim Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, một đạo diễn tuổi 30, vẫn có thể cho ta hình dung được câu chuyện 3 nữ thanh niên xung phong mở một quán ăn ngay trong một hang động trên cung đường Trường Sơn, cũng là nơi dừng chân cho các chiến sĩ lái xe đang lao về chiến trường. Câu chuyện như thế tìm đâu ra trên thế giới này? Bom đạn đỏ rực phía trước, đoàn xe vẫn đi và các cô gái vẫn vừa nhào bột làm bánh vừa hát vang…

Đó chính là điều ta phải khai thác và làm phim, bởi vì chất liệu ấy trên thế giới chỉ có ta độc quyền, tại sao ta lại đi vay mượn kịch bản nước khác làm phim trong khi chất liệu trong nước thì ngồn ngộn với biết bao đề tài, từ lịch sử đến đời sống xã hội, văn hóa đương đại? 

Ở Liên hoan phim Việt Nam 21 có 3 phim được nhà nước đầu tư là Thạch thảo, Truyền thuyết về Quán Tiên Hợp đồng bán mình, nhưng chỉ có một phim được đánh giá cao. Xưa nay ta cứ duyệt từ kịch bản để đầu tư, nhưng có kịch bản hay chưa hẳn đã có phim hay. Đó là chuyện bình thường của điện ảnh. Vì thế, để đồng tiền đầu tư thực sự có hiệu quả, Nhà nước nên đầu tư vào thành phẩm, tức là những phim hay, đề tài tốt được làm từ những đạo diễn tài năng…

Từ sự kiện này, tôi lại mơ ước có một chính sách rõ ràng đối với lực lượng làm phim trẻ tài năng được đào tạo từ nước ngoài hoặc tự đào tạo cộng với sự nỗ lực tự thân của những người trẻ đam mê nghề. Rất mong sao chúng ta sớm có quỹ phát triển điện ảnh và có chính sách rõ ràng để đầu tư hiệu quả vào những tài năng.

Bởi vì nếu Nhà nước thả nổi những nhân tài vào cơ chế thị trường thì thị trường dần dần sẽ giết chết tài năng. Muốn toàn tâm toàn ý làm phim nghệ thuật mà cứ bị phân tán bởi những chi tiết hấp dẫn theo hướng thị trường thì khó có được những bộ phim nghệ thuật đúng nghĩa.

Ví như với 2 phim Song LangCha cõng con, nếu được tài trợ bù lỗ thì tôi chắc rằng các hãng tư nhân sẽ mạnh dạn đầu tư vào những bộ phim nghệ thuật đậm tính dân tộc hơn là chạy theo những phim hài nhảm nhí… 

Phim Cha cõng con đến nay đã đoạt được 16 giải thưởng và gần 15 đề cử lớn nhỏ trong các liên hoan phim trong nước và quốc tế, được chiếu giới thiệu tại 8 bang của Mỹ và 10 quốc gia như Canada, Italy, Thái Lan, Estonia, Ấn Độ, Uruguay. Phim được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử dự giải Oscar 2018. 

Phim Song Lang đã tham gia hơn 22 liên hoan phim thế giới và nhận được 21 giải thưởng trong và ngoài nước. Liên hoan phim 21 vừa qua, Song Lang đoạt 5 giải Bông sen vàng cho phim, đạo diễn, thiết kế, diễn viên phụ và âm thanh.

Tin cùng chuyên mục