Bán lẻ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Người tiêu dùng Việt vẫn dùng tiền mặt để thanh toán khi mua sắm. Tuy nhiên, theo xu hướng tại các nước phát triển, việc chi trả mua sắm đang chuyển sang các hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng, mã QR hay ví điện tử. Việc này sẽ giúp người tiêu dùng thuận tiện, dễ dàng hơn trong khâu thanh toán mà không cần phải mang theo tiền mặt bên mình. 

Ít dùng vì sợ “tốn phí” và phức tạp

Theo phản ánh của đa phần người tiêu dùng, sử dụng tiền mặt để chi trả khi mua hàng hóa là thói quen. Vì vậy, ở các vùng nông thôn, khu chế xuất, khu công nghiệp… việc dùng tiền mặt vẫn còn phổ biến, chưa có nhiều thay đổi. 

Chị Nguyễn Thị Thơm (công nhân Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết, do đồng lương ít ỏi nên khi được trả lương chị thường rút 1 lần và phân bổ dùng cho cả tháng, làm như vậy để đỡ phải tốn phí cho việc rút tiền nhiều lần.

Thường thì một tuần, chị mới đi siêu thị một lần và tất cả chi phí đều được trả bằng tiền mặt. Thêm vào đó, chị vẫn còn khá lạ lẫm với việc dùng thẻ quẹt/mã QR để thanh toán vì thấy phức tạp và sợ bị thu phí!

Không riêng chị Thơm, nhiều bà nội trợ khác tại TPHCM hiện vẫn chủ yếu dùng tiền mặt để mua hàng tại chợ, siêu thị, vì với họ hình thức thanh toán này vẫn sử dụng lâu nay và không bất tiện…

Bán lẻ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ảnh 1 Doanh nghiệp bán lẻ định hướng sắp tới sẽ nâng cao tỷ lệ thanh toán không tiền mặt

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực của Saigon Co.op, chia sẻ, ở Việt Nam hiện thanh toán không tiền mặt mới chỉ đạt mức 4,9% (bao gồm cả kênh thương mại điện tử), còn riêng với mô hình bán lẻ có thông qua cửa hàng như Saigon Co.op thì tỷ lệ thanh toán không tiền mặt hiện chỉ xấp xỉ 3%.

“Rất nhiều khách hàng chưa hiểu hết về các loại hình thanh toán không tiền mặt. Họ nghĩ thanh toán không tiền mặt hiện chỉ có quẹt thẻ nhưng thực tế  có nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt khác như quét mã QR, ví điện tử đều đã được triển khai tại Saigon Co.op” - ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm. 

Thực tế mà Saigon Co.op đang gặp phải hiện nay cũng là bài toán khó với rất nhiều đơn vị bán lẻ khác như Emart, Big C, GS 25… khi triển khai hình thức thanh toán không tiền mặt.

Đôi bên cùng hưởng lợi

Theo Ngân hàng Nhà nước, khi sử dụng thanh toán không tiền mặt thì cả người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ đều được hưởng nhiều lợi ích. Cụ thể, với người tiêu dùng thì được khuyến mãi khi thanh toán, không phải mang theo tiền mặt; còn với doanh nghiệp sẽ giảm khối lượng tiền mặt lưu thông, giúp quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, giảm bớt chi phí bảo quản tiền mặt...

Khẳng định thanh toán không tiền mặt mang lại lợi ích lớn, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho hay, TPHCM là đô thị đặc biệt, đô thị lớn nên sự chuyển động của thành phố sẽ có đóng góp lớn cho kinh tế của cả nước.

Những tháng đầu năm nay, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan nhà nước phải gương mẫu đi đầu trong thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt là chỉ đạo rà soát lại các giải pháp công nghệ cho đồng bộ với ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại để việc kết nối được liên thông, tránh lãng phí nguồn lực.

Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, hướng dẫn họ dùng thẻ thông minh, điện thoại di động để thanh toán khi mua sắm. UBND thành phố sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước để các thanh toán của người dân được thực hiện thông suốt mà không có phí nào khác.

Đặc biệt với các trung tâm thương mại, siêu thị cụ thể như Saigon Co.op, Satra… thành phố sẽ có chỉ đạo để những đơn vị này có những hình thức giảm chi phí thanh toán, khuyến khích người dân không sử dụng tiền mặt. 

Theo các doanh nghiệp bán lẻ, trong định hướng sắp tới, họ đều có kế hoạch sẽ thúc đẩy nhanh việc thanh toán không tiền mặt, giảm việc sử dụng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ đã đưa ra.

Chẳng hạn với Saigon Co.op, như chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức, doanh nghiệp này đã đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tới tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trên toàn hệ thống bán lẻ gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… sẽ tăng lên khoảng 30%. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ trên, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, có 2 vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất, các doanh nghiệp như Saigon Co.op sẽ cần có truyền thông về lợi ích của việc mua sắm không tiền mặt cho người tiêu dùng như khuyến mãi, tặng quà cho người dùng khi mua hàng trả qua thẻ, quét mã QR hoặc dùng ví điện tử.

Thứ hai, nhà nước và cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh mẽ hơn chấp nhận những rủi ro để có thể thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Vì sao lại phải đẩy nhanh và quyết tâm thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, vì đây là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại, nếu không bắt kịp sẽ bị tụt hậu và hoạt động của doanh nghiệp khó đạt được hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, cũng như chia sẻ của các doanh nghiệp bán lẻ, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, các cơ quan chức năng cần có giải pháp quy hoạch tổng thể hệ thống chấp nhận POS, hệ thống chấp nhận thanh toán cũng như quy hoạch lại các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Tin cùng chuyên mục