Phiên họp thứ 19 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:

Băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo “Nghị định không đầu” về triển lãm

Các quy định về hoạt động triển lãm hiện hành không chỉ phân tán, thiếu đồng bộ mà một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động triển lãm cũng như cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Sáng 13-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định về hoạt động triển lãm theo Tờ trình số 155/TTr-CP ngày 27-4-2017 của Chính phủ.

 Băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo “Nghị định không đầu” về triển lãm ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình
Qua thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhận định, hoạt động triển lãm đang được quy định tại một số văn bản pháp luật khác nhau theo đối tượng cụ thể. Các quy định về hoạt động triển lãm hiện hành không chỉ phân tán, thiếu đồng bộ mà một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động triển lãm cũng như cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Hơn nữa, thực tế hiện nay còn có một số hoạt động triển lãm chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh như: triển lãm có nội dung về lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, thể dục, thể thao, gia đình, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng, khoa học, công nghệ, thiết kế sáng tạo; triển lãm tổng hợp nhiều nội dung, tổng hợp nhiều hình thức trưng bày hoặc tổng hợp nhiều loại tài liệu trưng bày, không nhằm mục đích thương mại… Thêm vào đó, nhiều triển lãm có nội dung phức tạp, nhạy cảm cần thiết phải có các quy định pháp luật để điều chỉnh.

Từ những lý do trên, Ủy ban cho rằng cần thiết phải xây dựng luật để thống nhất các quy định về hoạt động triển lãm ở những văn bản khác nhau, đồng thời bổ sung các quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa xây dựng luật, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng Nghị định để khắc phục những bất cập nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động triển lãm cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành chủ trương ban hành dự thảo Nghị định, song yêu cầu Chính phủ bàn bạc, có ý kiến chính thức, nêu rõ những vấn đề cần xin ý kiến cũng như những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để trình lại tại phiên họp sau của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm, cần phải cân nhắc kỹ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định: “Dự thảo dự kiến điều chỉnh tất cả các loại triển lãm, bao gồm cả triển lãm chuyên đề về thương mại, an ninh, quốc phòng… như thế giao cho Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xem xét cho phép có hợp lý không?”.

Ghi nhận hồ sơ dự án đã được chuẩn bị khá công phu, song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, đây là một dự thảo “Nghị định không đầu”, quy định nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên cần thực hiện đúng Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.

“Hoạt động triển lãm tưởng đơn giản, nhưng có liên quan đến vấn đề văn hoá tư tưởng. Đơn giản thủ tục hành chính là tốt, nhưng hoạt động triển lãm như trong dự thảo bao trùm rất nhiều lĩnh vực từ lịch sử, kinh tế đến quốc phòng, an ninh, ngoại giao nên cần rất thận trọng. Mặt khác, đối với các cuộc triển lãm ở địa phương, trường hợp có nhiều địa phương tham gia cùng thực hiện thì đâu là đầu mối quản lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Kết thúc phiên họp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Chính phủ, đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình dự án.

Tin cùng chuyên mục