Băn khoăn thực thi Luật Giáo dục 2019

Làm sao để Luật Giáo dục năm 2019 (Luật số 43) thực sự đi vào cuộc sống, thực thi đúng các quy định mới của luật là vấn đề đang được ban soạn thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý rất băn khoăn.
Th.S Lương Minh Nguyên, Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng phải quy định rõ những hành vi nhà giáo không được làm
Th.S Lương Minh Nguyên, Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng phải quy định rõ những hành vi nhà giáo không được làm

Chính phủ đã chỉ định 2 trường gồm Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TPHCM tập trung nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất... để soạn thảo các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.  

Luật phải đi vào cuộc sống

Bằng kinh nghiệm thực tế, ông Trần Minh Ngôn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 4, TPHCM, thẳng thắn, các chuyên gia, giáo sư, các nhà làm luật hãy lắng nghe, nghiên cứu để làm sao những người thi hành luật không rơi vào cảnh có luật nhưng không thực thi được. Ông Ngôn nêu dẫn chứng, 2 năm gần đây, vấn đề tinh giản bộ máy hành chính trong các nhà trường, phòng giáo dục và thậm chí là Sở GD-ĐT TPHCM gặp phải lúng túng, thậm chí rất khó khăn. Chẳng hạn ở trường mầm non cần 4 vị trí gồm kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế, nhưng chỉ được phép tuyển dụng có 2 người, còn 2 vị trí kế toán và y tế chỉ cho phép tuyển nhân viên hợp đồng. Vì vậy, đội ngũ ở trường không được cơ bản, họ cũng không gắn bó với trường, trong khi hiệu trưởng dễ “chết” vì tài chính. 

Theo PGS-TS Ngô Minh Oanh, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Luật số 43 đã có những thay đổi tiến bộ, thể hiện quan điểm đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Những quy định trong luật đã thể hiện sự kế thừa ưu điểm giáo dục của Việt Nam và thế giới.

Tuy nhiên, để luật đi vào thực tế sinh động của nền giáo dục nước nhà, cần phải có những văn bản dưới luật cụ thể hóa, chi tiết hơn mới thực sự phát huy tác dụng, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới giáo dục trong thời gian tới... Đồng quan điểm, TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Khoa Luật Hành chính Nhà nước, Trường ĐH Luật TPHCM, khẳng định, nhìn một cách tổng quát, Luật số 43 có rất nhiều điểm mới. Tuy nhiên, điều quan trọng là văn bản dưới luật cần được ban hành chi tiết các nội dung trong luật để khi áp dụng không bị vênh, va đập, mâu thuẫn.

Muốn vậy, trước hết chính các thầy cô, các nhà quản lý, các trường sư phạm, trường phổ thông... phải có tiếng nói để góp ý xây dựng các hệ thống văn bản dưới luật làm sao cho luật thật sự đi vào cuộc sống. “Hàng loạt vấn đề như xâm phạm thân thể người học, dạy thêm học thêm... là hành vi bị nghiêm cấm cần phải quy định rõ ràng chứ đừng để khi có chuyện không thể xử lý được”, một chuyên gia giáo dục nhấn mạnh.

Phải điều chỉnh lương và phụ cấp

Nhìn thẳng vào vấn đề tiền lương và chế độ dành cho nhà giáo, Th.S Lê Ngọc Anh, Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TPHCM, cho biết, một trong những hạn chế nổi cộm đang tồn tại là chính sách lương của nhà giáo còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò nhà giáo, chưa là động lực để thu hút nhà giáo giỏi, góp phần chuẩn hóa và phát triển đội ngũ. Cụ thể, thang, bảng lương nhà giáo hiện tại đã lạc hậu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo như đã được khẳng định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Bậc lương của nhà giáo có nhiều bất hợp lý khi xét trong tương quan với thang, bậc lương của các chức danh cùng loại trong các đơn vị hành chính sự nghiệp của Nhà nước; số bậc lương trong một ngạch vẫn còn nhiều; chênh lệch giữa các hệ số lương thấp. Nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tuy rất khác về tiêu chuẩn và tính chất nghề nghiệp nhưng vẫn xếp cùng thang, bảng lương như giáo viên trung học. Việc thực hiện các chế độ phụ cấp của nhà giáo cũng còn bất cập, chưa tạo được động lực để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo một cách bền vững...

Ngoài ra, với chính sách lương hiện tại, thu nhập của đại bộ phận nhà giáo vẫn ở mức trung bình; thu nhập của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên mới ra trường còn rất thấp. Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục và các chuyên gia, thu nhập (chủ yếu từ tiền lương) của nhà giáo hiện nay chưa thực sự là thước đo giá trị sức lao động, chưa tạo động lực để đội ngũ nhà giáo làm việc với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình và phát huy sức sáng tạo của bản thân.

Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, mức lương của giáo viên phổ thông vùng đồng bằng với 30 năm công tác khoảng 9 - 10 triệu đồng/tháng. Dù có bằng tốt nghiệp cao đẳng, hay đại học, hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn là 1,86 nên giáo viên mới đi làm thường có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng. 

Từ những minh chứng trên, Th.S Lê Ngọc Anh kiến nghị, cần phải xem xét việc tăng cao hơn khi quy định mức lương cơ sở làm căn cứ tính lương cho nhà giáo nói chung, đồng thời cần phải xem xét đến vị trí việc làm hay nói cách khác là cần tăng lương ở vị trí nào và làm thế nào để tăng lương không xảy ra mất công bằng chứ không phải cứ tăng đều tất cả các vị trí. Điều này nhằm tạo nên chính sách đãi ngộ đúng mức, tạo được động lực, sức hấp dẫn của nghề giáo và sàng lọc, lựa chọn được người thực sự giỏi vào ngành.

Tin cùng chuyên mục