Băn khoăn mô hình trường tiên tiến

Đầu tuần qua, UBND TPHCM đã ban hành quy định mới về tiêu chí công nhận “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” với nhiều thay đổi về sĩ số, điều kiện cơ sở vật chất và chuẩn trình độ giáo viên. Trên thực tế, yêu cầu phát triển mô hình này đang gặp khó ở nhiều địa phương. 

Tăng sĩ số là cần thiết

Điểm khác biệt lớn nhất của quy định mới về tiêu chí công nhận trường tiên tiến là tăng sĩ số tối đa từ 25 lên 30 học sinh/lớp (bậc mầm non) và 30 lên 35 học sinh/lớp (bậc tiểu học, THCS, THPT). Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, việc điều chỉnh sĩ số học sinh/lớp nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chương trình, qua đó giảm bớt áp lực về chỗ học cho người dân cũng như giúp các trường có thêm kinh phí tổ chức hoạt động trên cơ sở không tăng mức thu trên đầu học sinh. 

Một buổi học STEM tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trao đổi với PV Báo SGGP, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), bày tỏ, sĩ số tối đa của mỗi lớp học tăng thêm 5 học sinh là mức tăng vừa phải, vẫn giúp các trường thực hiện mô hình tiên tiến duy trì được lợi thế về sĩ số so với các trường công lập khác, đảm bảo hiệu quả tiếp thu kiến thức cho học sinh. Ngoài ra, với mức thu thỏa thuận không quá 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng để thực hiện mô hình tiên tiến, việc tăng thêm 5 học sinh đồng nghĩa nguồn thu của lớp sẽ tăng thêm 7,5 triệu đồng/tháng, phần nào bù đắp tỷ lệ trượt giá sau nhiều năm triển khai mô hình. 

Là đơn vị đầu tiên thí điểm dạy học theo mô hình này từ năm 2005, thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho học sinh như: phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, trình độ ngoại ngữ, tin học... Hiệu trưởng này đánh giá, việc tăng thêm sĩ số còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường trong việc bố trí lớp học theo phân ban tuyển sinh đại học.  

Tuy nhiên, cũng do yêu cầu về giới hạn sĩ số học sinh/lớp nên khó khăn lớn nhất hiện nay của các địa phương khi triển khai mô hình là áp lực gia tăng dân số. Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm thành phố bày tỏ, muốn xây dựng một trường theo mô hình tiên tiến thì địa phương phải có sẵn 2-3 đơn vị khác chia tải học sinh, đảm bảo đủ chỗ học. Tại quận 3, dự kiến từ năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Trương Quyền xây dựng theo mô hình tiên tiến, hai bậc mầm non và THCS chưa phát triển mô hình này. 

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, thông tin, năm học 2022-2023, địa phương tiếp tục duy trì mô hình tiên tiến ở Trường Tiểu học Lê Đức Thọ và THCS Phan Văn Trị, đồng thời tiếp tục tham mưu UBND quận xây dựng một trường mầm non mới thành lập theo mô hình tiên tiến, hiện đại. Ở quận Tân Phú, sau nhiều năm thí điểm triển khai mô hình ở Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, tới đây, địa phương dự kiến tiếp tục thực hiện cuốn chiếu ở một trường THCS để duy trì môi trường học tập, đảm bảo quyền lợi học sinh.

Cần thêm thời gian chuẩn bị

Liên quan đến các yêu cầu mới về xây dựng trường tiên tiến, ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết, thời điểm hiện tại, yêu cầu về nhà thi đấu đa năng và hồ bơi có thể khiến một số trường gặp khó, song các trường có thể linh hoạt triển khai các biện pháp phối hợp, liên kết với các đơn vị ngoài nhà trường để phổ cập bơi cho học sinh. Riêng các yêu cầu chuẩn tiếng Anh và tin học đối với giáo viên, bước đầu có thể các trường chưa thực hiện được, nhưng về lâu dài cần tạo ra môi trường giao tiếp để phát huy hiệu quả thực chất, chứ không chỉ là yêu cầu bằng cấp với giáo viên. 

Nhà giáo này phân tích: “Mô hình tiên tiến hướng đến mục tiêu hội nhập thông qua khả năng trao đổi, giao lưu học thuật với các nền giáo dục tiên tiến. Trong khi đó, nếu giáo viên có trình độ tiếng Anh đạt chuẩn, nhưng môi trường giao tiếp giữa học sinh và thầy cô vẫn chủ yếu bằng tiếng Việt thì các hoạt động không thể mang hiệu quả lâu dài”. Hiện nay, Phòng GD-ĐT quận Tân Phú khuyến khích các đơn vị trường học tổ chức mỗi tuần một tiết học, hoặc hoạt động học tập sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ là tiếng Anh để tạo ra môi trường giao tiếp thực chất cho học sinh. 

Song song đó, theo thầy Cao Đức Khoa, quá trình xây dựng mô hình tiên tiến buộc đội ngũ giáo viên ở các trường phải không ngừng nâng cao trình độ. Đơn cử, với yêu cầu phải có 80% giáo viên dạy giỏi cấp trường, 50% giáo viên dạy giỏi cấp quận, thì các trường cần 1-2 năm đầu tư nguồn lực chứ chưa thể đáp ứng được ngay. Ngoài ra, theo hiệu trưởng một trường THPT ở quận 10, để phát triển hiệu quả mô hình tiên tiến, cơ quan quản lý cần giao thêm quyền chủ động cho các trường trong việc tuyển dụng và bố trí nhân sự, đáp ứng mục tiêu phát triển cụ thể ở từng đơn vị.

Năm 2005, mô hình trường tiên tiến lần đầu thí điểm tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3). 10 năm sau khi thí điểm, TPHCM ban hành quy định về tiêu chí công nhận “Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế”. Tháng 8-2015, TPHCM phê duyệt đề án xây dựng mô hình trường tiên tiến tại 3 trường THPT là Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du. Đến nay, toàn thành phố có 40 trường hoạt động theo mô hình này, gồm 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 8 trường THCS và 3 trường THPT.

Tin cùng chuyên mục