Băn khoăn “hộ chiếu vaccine”

Trong nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế, ngày 7-3 (giờ địa phương), Israel đã mở cửa trở lại nhà hàng, quán bar và quán cà phê cho những người có “hộ chiếu vaccine” - hộ chiếu chứng nhận những người đã được tiêm phòng hoặc miễn dịch sau khi mắc Covid-19.

Một số lượng lớn học sinh cũng bắt đầu trở lại trường học, công dân Israel bị mắc kẹt ở nước ngoài cũng sẽ được phép trở về nước với số lượng nhiều hơn trong tuần này…

Không chỉ Israel, nhiều nước đang thúc đẩy nhanh tiến trình phê duyệt thực hiện một hệ thống hộ chiếu vaccine nhằm kích cầu du lịch, phục hồi ngành hàng không và sớm mở cửa trở lại nền kinh tế nhanh nhất có thể. Tờ The Nation của Thái Lan cho biết, Chính phủ nước này đã chuẩn bị và đang chờ thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để kích hoạt “hộ chiếu vaccine” nhằm mở cửa lại ngành du lịch vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 trong năm qua. Tại châu Âu, Thụy Điển là một trong những quốc gia ủng hộ sáng kiến “hộ chiếu vaccine” và đang khẩn trương phát triển chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 kỹ thuật số để sử dụng trong các chuyến du lịch quốc tế.

Khi câu chuyện chủ nghĩa dân tộc vaccine vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi gay gắt thì “hộ chiếu vaccine” thêm một lần nữa khắc họa rõ nét hơn viễn cảnh một thế giới bị phân chia bởi khoảng cách giàu nghèo. Theo thống kê của tạp chí khoa học Our world in data, tính đến nay, người dân những quốc gia phát triển như Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng vaccine. Theo thông báo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, EU đang chuẩn bị cho việc áp dụng “thẻ xanh kỹ thuật số” để nối lại các hoạt động di chuyển quốc tế vào mùa hè này, trong bối cảnh EU có thể mất tới 100 tỷ EUR nếu tiếp tục trì hoãn mở lại hoạt động kinh doanh trong 1 hoặc 3 tháng, theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg ngày 7-3.

Nhiều nhận định lo ngại, nếu “hộ chiếu vaccine” sớm được phát hành, các nước giàu lại là các nước chiếm ưu thế hơn trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Trong khi đó, các nước nghèo vẫn đang phải vất vả để có được nguồn cung vaccine do bất bình đẳng trong cơ chế phân phối và sẽ ngày càng bị tụt lại phía sau. Việc cấp đặc quyền đi lại cho những người được tiêm chủng vaccine Covid-19 có thể làm gia tăng khoảng cách xã hội giữa nước giàu và nước nghèo. Giới chuyên gia hiện kêu gọi các chính phủ hãy chờ đợi để có thể cùng đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế đồng nhất cho “hộ chiếu vaccine” trước khi phát hành, bởi các tiêu chuẩn không đồng đều có thể tạo ra các vấn đề về chính trị, đạo đức đáng lo ngại.

Tin cùng chuyên mục