Băn khoăn đổi mới đánh giá học sinh

Mới đây, tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Đổi mới phương pháp đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh”, do Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) tổ chức, vấn đề thu hút sự quan tâm khá lớn của giáo viên là đang có sự bất bình đẳng trong đánh giá học sinh thông qua hình thức làm việc nhóm.
Theo một giảng viên Trường Đại học Sài Gòn, hoạt động nhóm tưởng như một hình thức tổ chức lớp học hiện đại, có thể phát huy tính tích cực của người học, nhưng gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể, khi tất cả học sinh cùng tham gia vào một hoạt động, sẽ có bạn năng nổ, đảm nhận nhiều việc chung của nhóm, nhưng cũng có bạn vì lý do nào đó ít đóng góp hơn. Tuy nhiên, điểm số đánh giá lại là điểm chung cho cả nhóm, tạo nên sự không công bằng giữa các bạn.
Trước thực tế này, thầy Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, cho biết để tạo công bằng, đồng thời động viên tinh thần cố gắng của học sinh, các trường cần tổ chức cả 2 hệ thống điểm đánh giá. Trong đó, ngoài điểm giáo viên đánh giá học sinh (không giới hạn đánh giá trong một bài kiểm tra mà phải đánh giá cả quá trình tiến bộ của người học), các đơn vị cần tổ chức cho học sinh đánh giá chéo lẫn nhau. Khi lấy 2 điểm số này cộng lại thì mới phản ảnh được đầy đủ và khách quan công sức bỏ ra của người học.    
Ở khía cạnh khác, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, bày tỏ quan điểm: “Cách chấm học sinh trả lời đúng được 10 điểm, trả lời sai phải nhận điểm thấp, đã không còn phù hợp trong giai đoạn đổi mới giáo dục”.
Cụ thể, nếu ngay sau câu trả lời sai của học sinh, giáo viên cho điểm xấu rồi yêu cầu em này về chỗ ngồi thì những lần sau đó, học sinh có nguy cơ tiếp tục nhận điểm thấp từ giáo viên. Trước tình huống đó, thầy Phú gợi ý giáo viên nên bình tĩnh, không vội vàng đưa ra nhận xét câu trả lời của học sinh đúng hoặc sai mà nên gợi mở cho các em thêm nhiều câu hỏi.
Câu hỏi thứ nhất, em chưa nhận ra mình sai thì thầy sẽ hỏi tiếp câu thứ hai, thứ ba. Hỏi đến khi nào chính miệng học sinh bật ra câu nói “Thầy ơi, em hiểu em sai ở đâu rồi” là khi đó học sinh đã hiểu đúng, vẫn có thể cho các em điểm khá, giỏi để ghi nhận sự tiến bộ của học sinh. Từ đó tạo ra sức bật giúp các em hứng thú hơn trong học tập.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng để đổi mới hoạt động giảng dạy, chính thầy cô phải thay đổi từ trong tư duy, cách thức tổ chức lớp học và phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

Tin cùng chuyên mục