Băn khoăn chuyện dạy thêm, học thêm…

Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện quy định mới về tổ chức dạy thêm, học thêm. 

Theo văn bản này, thành phố sẽ ngưng tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép mới đối với tổ chức dạy thêm, học thêm. Trường hợp các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép dạy thêm, học thêm vẫn tiếp tục hoạt động.  

Hướng dẫn trên được xem là động thái kịp thời của thành phố sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định 2499 (ngày 26-8-2019) về việc công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư 17/2012 quy định về dạy thêm, học thêm.

Trong đó có một số nội dung đáng chú ý là việc bãi bỏ toàn bộ quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, trong đó có bãi bỏ các thủ tục về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép, gia hạn giấy phép đối với cơ sở dạy thêm, học thêm. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ khi quyết định mới có hiệu lực thi hành, sẽ không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là sẽ có hay không việc ngành GD-ĐT thu hồi giấy phép đối với những cơ sở đã được cấp phép muốn gia hạn thời gian hoạt động? Chưa kể, quyết định ngưng cấp phép đối với đơn vị hoạt động mới, trong khi vẫn duy trì hoạt động đối với các đơn vị đã được cấp phép thể hiện sự lúng túng của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát hoạt động này. 

Hiệu trưởng một trường THCS cho biết, với thu nhập và đồng lương còn hạn chế của giáo viên, nếu dạy thêm, học thêm được xem là hoạt động không hợp pháp, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và tâm tư của giáo viên. Vì sao ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác, người lao động được tạo điều kiện tăng thêm thu nhập một cách hợp pháp, như bác sĩ mở phòng mạch, kỹ sư thành lập công ty, nhưng riêng đối với nghề giáo, việc dạy thêm ngoài nhà trường bị xem là hoạt động không hợp pháp? 

Nghề giáo hiện nay là một trong những công việc đòi hỏi nhiều chính sách và quy định mang tính đặc thù. Vì vậy, để tạo tâm lý thoải mái, giúp các thầy, cô giáo yên tâm công tác, ngành giáo dục cần có cơ chế quản lý rõ ràng hơn, tránh tình trạng chạy theo dư luận.

Tin cùng chuyên mục