Bàn giải pháp vừa chống dịch vừa đi đầu phục hồi, phát triển kinh tế

Sáng nay 22-4, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 23. Nội dung bàn về các giải pháp vừa chống dịch vừa đi đầu phục hồi, phát triển kinh tế.
Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 23 để thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm; các nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ thành phố thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; cho chủ trương về một số dự án lớn và đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội; xem xét, quyết định về công tác cán bộ và một số nội dung quan trọng khác.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, dịch Covid-19 đã và đang tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại; làm đình trệ, đóng băng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất “cầm chừng”, thu hẹp quy mô hoặc phải tạm dừng hoạt động.

Trong bối cảnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị hội nghị tập trung thảo luận về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy; việc tổ chức triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo quốc gia và Thành ủy; những thành tựu, kết quả nổi bật, nhất là vai trò của cả hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu. Đồng thời chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm và định hướng, giải pháp trong thời gian tới khi rủi ro, nguy cơ vẫn hiện hữu do đã có những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, đã mất dấu F0 và một số trường hợp khỏi bệnh nhưng đã dương tính trở lại.

Về tình hình kinh tế-xã hội, theo đồng chí Vương Đình Huệ, tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, GRDP đạt 3,72%. Tuy không đạt kế hoạch nhưng là kết quả nỗ lực, cố gắng rất lớn của thành phố trong điều kiện bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là mức tăng trưởng cao so với các thành phố lớn trong nước và khu vực.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, phân tích đánh giá thực trạng nhiều chỉ tiêu đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ; nông nghiệp thành phố tăng trưởng âm 1,17% (cả nước tăng nhẹ 0,08%); chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… thấp hơn so với cả nước; chỉ số giá tiêu dùng, nhất là giá thịt heo tăng cao; giải ngân đầu tư công đạt rất thấp (đến ngày 20-4 mới đạt 15%); nhiều dự án đầu tư công, tư nhân, đối tác công – tư (PPP) bị ách tắc…
Bàn giải pháp vừa chống dịch vừa đi đầu phục hồi, phát triển kinh tế ảnh 2 Hội nghị được tổ chức theo đúng chủ trương về giãn cách xã hội
Theo đồng chí Vương Đình Huệ, tại hội nghị này phải trả lời được câu hỏi: “Hà Nội đã tiên phong, gương mẫu và chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19, liệu Hà Nội có thể tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế thủ đô hay không?”.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị hội nghị thảo luận những định hướng, giải pháp thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (phấn đấu nông nghiệp tăng trưởng đạt 4-5%); thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần “góp gió thành bão”; cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân, đẩy mạnh sản xuất những lĩnh vực, mặt hàng có lợi thế trong điều kiện phòng, chống dịch…

Theo báo cáo, quý 1, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%), thấp hơn cả nước (3,82%). Trong đó, ngành dịch vụ tăng 3,2% (cùng kỳ tăng 7,10%); công nghiệp và xây dựng tăng 5,46% (cùng kỳ tăng 7,84%); nông nghiệp giảm 1,17% (cùng kỳ tăng 3,19%)… Đáng lưu ý, khách du lịch giảm mạnh, tổng lượng khách du lịch giảm 47,2% (cùng kỳ tăng 9,1%). Trong đó, khách quốc tế giảm 43,9% (cùng kỳ tăng 12,6%); tổng doanh thu giảm 38,8% (cùng kỳ tăng 32%).

Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt 63.040 tỷ đồng, tăng 5,2% (cùng kỳ tăng 10,5%); vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 2% (cùng kỳ tăng 2,61%), tổng dư nợ tăng 1,8% (cùng kỳ tăng 2,59%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 927,4 triệu USD; đầu tư trong nước 7.140 tỷ đồng (8 dự án mới và tăng vốn). Có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 103.000 tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và tăng 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Thu ngân sách trên địa bàn đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 30,3%). Trong đó, thu nội địa đạt 66.564 tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán, tăng 6%. Chi ngân sách địa phương đạt 13.676 tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán (cùng kỳ đạt 11,9%).

Tin cùng chuyên mục