Bài toán cải tổ ngành thể dục thể thao

Bộ Nội vụ vừa có công văn đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu và hoàn thiện phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục TDTT theo hướng giảm cấp trung gian (không duy trì mô hình tổng cục), đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 12-8-2021 của Chính phủ…

Trong lịch sử 76 năm hoạt động, tổ chức quản lý thể thao chủ yếu vận hành theo mô hình tổng cục, có thời điểm được nâng cấp tương đương một bộ, tức Ủy ban TDTT. Gần đây, có đại biểu Quốc hội còn nêu ý kiến thành lập Bộ Thanh niên - Thể thao nhằm khai thác thế mạnh, tính đặc thù của ngành thể thao. Nói như vậy để thấy đóng góp của thể thao trong đời sống xã hội là rất rõ nét.

Sau khi có công văn của Bộ Nội vụ, trong những ngày qua, ngành TDTT đã tổ chức lấy ý kiến các đơn vị trực thuộc, đa số bày tỏ mong muốn Tổng cục TDTT vẫn được đảm bảo cơ cấu tổ chức và giữ mô hình, bởi thể thao là một ngành đặc thù, tính chuyên môn cao, có tác động xã hội lớn với số lượng thành viên chuyên và không chuyên đông đảo, cũng như có độ phủ cao trên toàn quốc. Nếu chuyển thành mô hình cục sẽ gặp không ít khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là phát triển thể thao đỉnh cao lên tầm quốc tế.

Trên thực tế, hiệu quả quản lý ngành TDTT trong nhiều năm qua vẫn đặt ra nhiều dấu hỏi. Hiện tại, ngành TDTT trung ương lẫn địa phương đang quản lý số lượng cơ sở vật chất thể thao lớn, chiếm các vị trí trung tâm tại các đô thị nhưng đã hoạt động hết công suất hay chưa, có tạo ra sự thay đổi cho chất lượng của TDTT địa phương hay không hay vẫn đang phải dùng ngân sách để duy trì hoặc thậm chí kinh doanh sai phép, dẫn đến nợ thuế đầm đìa như Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình?

Ở mảng TDTT đỉnh cao, ngoài sự vươn lên tại SEA Games, các VĐV Việt Nam liệu đã tạo được những dấu ấn lớn ở các sân chơi đẳng cấp như Asiad hay Olympic? Tấm HCV môn bắn súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016 là một dấu son nhưng mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn là sự lớn mạnh đồng đều của ngành TDTT. Trong khi đó, những tiến bộ của bóng đá Việt Nam là kết quả của hoạt động chuyên nghiệp với chủ đạo là các CLB thuộc doanh nghiệp cũng như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, một tổ chức xã hội nghề nghiệp vốn độc lập với Tổng cục TDTT.

Có thể nhận thấy rằng, bộ máy của Tổng cục TDTT hiện nay tương đối cồng kềnh, thiên về hành chính sự vụ, chưa có các đơn vị kinh doanh tầm cỡ để khai thác mảng kinh tế thể thao dù đây là một trong những lĩnh vực quan trọng và luôn cần Tổng cục TDTT thể hiện vai trò quản lý, chỉ đạo.

Hiệu quả hoạt động của các liên đoàn kém, không khai thác được nguồn lực xã hội cũng là một trong những khuyết điểm của ngành thể thao. Về cơ bản, các tồn tại đó của Tổng cục TDTT đều xuất phát từ sự thiếu, yếu chuyên môn của nhân sự quản lý.

Chính vì vậy, đây có thể xem như thời điểm thích hợp để ngành TDTT tái cơ cấu lại nguồn nhân lực, từ các vị trí quản lý cho đến các hoạt động chuyên môn; từ tổ chức thi đấu, đào tạo chuyên gia cho đến HLV và VĐV thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn so với trước đây.

Tin cùng chuyên mục