Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Bài học từ công tác chính trị, tư tưởng

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhất là đòn đánh hiểm vào Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng…, đã giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược Chiến tranh cục bộ, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ cùng những kẻ cầm đầu hiếu chiến. 
Cuộc tổng tiến công là một bất ngờ với đối phương về thời gian, quy mô, phương thức cũng như mức độ quyết liệt. Cùng với hoạt động quân sự quy mô lớn tại những địa bàn chiến lược, nhất là mặt trận Khe Sanh - Đường 9, quân và dân ta trên toàn miền Nam đồng loạt tiến công, đánh thẳng vào nhiều TP lớn, thị xã, căn cứ quân sự trong yếu của địch. Thất bại này buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Để rồi, 4 năm sau đó, Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973), rút quân về nước. 
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giành những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và ngoại giao. Đó là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới; thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và quyết tâm chống Mỹ, cứu nước với tinh thần dũng cảm vô song của đồng bào chiến sĩ cả nước. 
Thắng lợi trên hội tụ từ nhiều nhân tố, cũng chứng minh sức mạnh yếu tố chính trị - tinh thần. Mậu Thân 1968 cho thấy việc động viên tinh thần chiến đấu trên chiến trường không thể không giải quyết đúng đắn yếu tố chính trị của cuộc chiến; nội dung và phương thức giáo dục cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang (LLVT); sự thống nhất cao độ giữa tinh thần chiến đấu trong LLVT với quyết tâm đồng lòng, ủng hộ, đóng góp sức người, sức của, sẵn sàng hy sinh của nhân dân; mối quan hệ giữa nghệ thuật quân sự, sức mạnh tác chiến với tinh thần người lính. Tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trên chiến trường cả nước gắn kết chặt chẽ với xu hướng hòa bình, sự ủng hộ từ nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. 
Vì thế, bài học lớn nhất sau Mậu Thân 1968 là bài học yếu tố chính trị - tinh thần trong chiến tranh. Nếu Mậu Thân 1968 là thất bại chính trị thảm hại đối với Mỹ; thì đối với Việt Nam, đó là thắng lợi có ý nghĩa quyết định về chính trị, quân sự, dẫn đến những thắng lợi về ngoại giao. Không những cổ vũ tinh thần chiến đấu của người Việt Nam trên chiến trường, thắng lợi Mậu Thân 1968 còn tạo nên vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Bài học chính trị - tinh thần trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn vẹn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
Trước hết, khi nhận thức rõ cơ hội và thuận lợi, chúng ta cần thẳng thắn chỉ ra thách thức, nhất là những mặt yếu kém. Một đảng cách mạng là một đảng không che giấu khuyết điểm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù khẳng định thắng lợi to lớn chiến dịch Mậu Thân 1968 mang lại. Nhưng, Trung ương Đảng vẫn thẳng thắn chỉ ra sai lầm, hạn chế. Cụ thể, ta đề ra mục tiêu vượt quá khả năng thực tế; không kịp thời đánh giá đúng tương quan lực lượng; chưa kịp thời lui về củng cố, mở rộng lực lượng ở địa bàn trọng yếu, nhất là vùng nông thôn…
Ngày nay, Đảng ta chỉ rõ những nguy cơ tiềm ẩn, khó lường và cả những khó khăn hiện hữu. Vấn đề là mọi tập thể, cá nhân cần tiếp tục nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn, cụ thể hơn nhằm chủ động giải quyết, khắc phục. Trong đó, chúng ta cần đặc biệt lưu ý những nguy cơ nội sinh từ trong Đảng, bộ máy chính quyền. Chúng ta nói sức mạnh của Đảng, nhà nước, quân đội là ở nơi dân. Nhân dân tin tưởng Đảng, Nhà nước, LLVT không chỉ bằng chủ trương, chính sách mà còn bằng chính hành động gương mẫu, thật sự vì dân với tinh thần “dĩ công vi thượng” do cán bộ, đảng viên thể hiện. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Đảng ta đang kiên quyết tiến hành nhận nhiều sự quan tâm, ủng hộ và kỳ vọng từ nhân dân. Kết quả cuộc đấu tranh ấy đã và đang phát huy vai trò to lớn trong công tác giáo dục, động viên chính trị - tinh thần nhân dân hiện nay.
Chính trị của Đảng ta thể hiện trong đường lối, chủ trương, chính sách, nó còn luôn thể hiện trong hoạt động thực tiễn lãnh đạo xã hội, lãnh đạo nhà nước. Vì thế, khi xác định mục tiêu chính trị đúng đắn; đương nhiên phải có chủ trương, chính sách, kế hoạch cùng biện pháp cụ thể để thực hiện phù hợp với thực tế, biến mục tiêu đó thành hiện thực. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Đảng đã xác định đúng ý đồ chiến lược.
Từ đó, Đảng đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức tiến hành chiến tranh nhằm tạo bước ngoặt trong cuộc kháng chiến. Thực tiễn Mậu Thân 1968 chứng minh cơ bản, chúng ta đạt được mục tiêu bằng hoạt động quân sự, chính trị trên mặt trận miền Nam. Những thành công và cả chưa thành công sau Mậu Thân 1968 khẳng định mục tiêu chính trị sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu ta luôn bám sát và đánh giá đúng tình hình thực tiễn, kịp thời điều chỉnh nội dung và phương thức hoạt động. 
Trong điều kiện hòa bình và xây dựng đất nước, chính trị thể hiện ở đường lối phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, bộ máy, đặc biệt là yếu tố con người chính là mối quan tâm hàng đầu của nhân dân. Đạt những thành tựu kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, sử dụng đúng đắn và hiệu quả sức lao động và sản phẩm làm ra sẽ trực tiếp tác động tới nhiệt tình và trách nhiệm chính trị của mỗi người dân. 
Trước hết, nói đến công tác chính trị, tư tưởng là nói đến nội dung chính trị. Sau đó, chúng ta không thể không nói đến phương thức tiến hành công tác đó. Trong kháng chiến chống Mỹ nói chung, chiến dịch Mậu Thân 1968 nói riêng, tất cả cơ quan tuyên huấn, chính trị đã hoạt động một cách rất hiệu quả. Đường lối, quan điểm Đảng đề ra, quyết tâm từ Trung ương, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã đến từng người dân, từng chiến sĩ. Điều đó trở thành ý chí, quyết tâm chiến đấu trên mọi mặt trận. Công tác chính trị góp phần quan trọng tạo nên khối đại đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tạo nên ưu thế tuyệt đối về chính trị - tinh thần dân tộc Việt Nam trước kẻ thù. 
Công tác chính trị, tư tưởng còn được ngành thông tin truyền thông, văn hóa văn nghệ, báo chí… chuyển tải bằng những phương thức, phương tiện hết sức hiệu quả. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn cảm nhận rõ hơi thở hào hùng của dân tộc một thời đánh Mỹ qua những tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật hay lời ca, giai điệu đi cùng năm tháng.

Tin cùng chuyên mục