Bài học kiên định, quả cảm từ Bác

Năm 21 tuổi, khi cùng một người bạn đi dạo, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành hỏi bạn rằng có muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác như thế nào để trở về giúp đồng bào hay không. Người bạn không đi cùng, nhưng chàng trai Nguyễn Tất Thành vẫn quyết chí ra nước ngoài, làm nhiều nghề khác nhau (phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết…) và tìm con đường cứu nước, cứu dân.

Qua câu chuyện trên, trước hết chúng ta học tập được ở Bác ý chí kiên định, lòng dũng cảm và sự sáng suốt, dám nghĩ, dám làm, mở ra con đường cứu nước, độc lập, tự chủ và phát triển như ngày hôm nay. Bài học thứ hai, đó là phải biết vượt qua khó khăn, có bàn tay, khối óc sẽ làm nên tất cả; nếu vì cái khó trước mắt mà chùn bước thì sẽ không bao giờ đi đến thành công.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập yêu cầu phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” (Kết luận số 14) đã cụ thể hóa để nghị quyết sớm được vận dụng và đi vào đời sống. Thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành Kế hoạch số 124-KH/TU ngày 31-5-2022 (Kế hoạch 124) cụ thể hóa phạm vi, thẩm quyền và cơ chế để bảo vệ cán bộ theo tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường bảo, dùng cán bộ phải có bản lĩnh khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến; có gan phụ trách, có gan làm việc, đổi mới sáng tạo; phải có gan cất nhắc cán bộ. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách thì đó là một việc thất bại cho Đảng.

Kết luận số 14 chỉ thực sự là “liều thuốc hiệu nghiệm”, đi vào cuộc sống khi người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị luôn có tinh thần đổi mới, sáng tạo; tạo điều kiện cho cán bộ trong địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai hoặc thực hiện thí điểm những đề xuất đổi mới, sáng tạo của họ. Đây chính là “chìa khóa” để sự khuyến khích sáng tạo và bảo vệ sự sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ được thành công. Đồng thời, đã đến lúc việc “chắp cánh”, tạo thuận lợi cho những ý tưởng sáng tạo, đột phá được những cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị ủng hộ, thực thi thành công phải trở thành một tiêu chuẩn trong công tác xếp loại thi đua, khen thưởng của cán bộ, đảng viên và cấp ủy hàng năm.

Học tập Bác, Đảng bộ cơ quan Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM sẽ vận dụng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 124 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; kiên quyết bảo vệ những tập thể, cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, vì TPHCM phát triển, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tin cùng chuyên mục