Bài học đắt giá

So với mục tiêu bảo vệ ngôi á quân châu Á, hay lọt vào tốp 3 để giành vé dự Olympic 2020 thì việc phải dừng chân với vị trí cuối bảng rõ ràng là một thất bại không có gì để bào chữa của đội U23 Việt Nam.

 Nhưng thất bại đó không nặng nề đến mức từ chỗ đang chúc mừng HLV Park Hang-seo và các học trò sau chiếc HCV SEA Games thì vội quay sang chỉ trích những kết quả không như ý ở giải U23 châu Á. Thất bại ấy, đơn giản chỉ là một bài học đắt giá cho bóng đá Việt Nam, với điều kiện là không tiếp nhận bài học bằng những hô hào sáo rỗng.

Bởi có thể thấy, thành công trong 2 năm qua được khởi đầu từ ngôi á quân ở một giải đấu trẻ là U23 châu Á 2018, thì thất bại cũng ở giải trẻ vừa qua sẽ giúp những nhà quản lý và cả người hâm mộ có thể hình dung tương đối rõ ràng những thách thức, khó khăn trong thời gian tới. Bài học quá rõ ràng: Nếu chúng ta có thế hệ cầu thủ trẻ chất lượng, chắc chắn thành tích quốc tế sẽ tiến bộ. Hơn phân nửa đội hình U23 châu Á 2018 nhanh chóng được đưa lên đội tuyển quốc gia và chiếm những vị trí chính thức.

Ngược lại, nếu không thể nhanh chóng xây dựng đội ngũ kế thừa có chất lượng tương đương, thì nên lo lắng cho tương lai ngay từ bây giờ. Trên thực tế, ngoài các tuyển thủ quốc gia có mặt trong đội hình chính, đa số cầu thủ U23 hiện nay đều khó có cơ hội lên tuyển. Thậm chí, chưa chắc có chỗ đứng ngay tại CLB.

Cũng cần phải công bằng, là không đơn giản để đào tạo một cách liên tục và đều đặn những lứa cầu thủ tốt như nhau. Càng khó khăn hơn nếu muốn lứa sau tốt hơn lứa trước. Phải mất 10 năm làm căn cơ thì mới có những Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu… nên không thể chỉ mới 2-3 năm sau lại hy vọng sẽ có thêm các tài năng tương tự. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, muốn nền bóng đá phát triển, duy trì được đẳng cấp, thì nếu sớm 2-3 năm không được, nhưng cũng không thể đợi theo chu kỳ 10-15 năm như trước. Lấy ví dụ như bóng đá Thái Lan, giai đoạn khủng khoảng nhất của họ cũng chỉ nằm trong khoảng 4-5 năm. Thông thường, chỉ 2 năm là bóng đá Thái Lan có thể trở lại ngay với vị thế số 1 Đông Nam Á. Chất lượng của dàn cầu thủ U23 Thái Lan tại giải châu Á hiện nay là dấu hiệu cho thấy người Thái đã kịp có tuyến kế thừa đủ chất lượng, kể cả khi đội tuyển quốc gia của họ chưa quá sa sút. Sự ổn định làm nên đẳng cấp, là ở chỗ này.

Trong khi đó, không chỉ là U23 hiện nay mà ngay lứa U19 của Việt Nam cũng giảm chất lượng nghiêm trọng so với những đàn anh. Nghĩa là trong khoảng 5 năm tới, bóng đá Việt Nam sẽ ở trong tình trạng “no dồn đói góp”. Đấy là thực tế cần phải nhìn nhận đúng mức. Vì vậy mà thất bại tại giải U23 châu Á xét cho cùng đã đến rất đúng lúc để chúng ta có sự tĩnh tâm cần thiết trong cách đánh giá của mình.

Nói như vậy không có nghĩa là bi quan về tương lai. Thành công của 2 năm qua đã tạo một cú hích lớn với rất nhiều khoản đầu tư mới chảy vào bóng đá Việt Nam, cho thấy về lâu dài, triển vọng sẽ rất tích cực nếu sử dụng tốt nguồn lực xã hội. Có thể những lứa U22, U19 hiện nay chưa tốt nhưng cũng không thể vội vã kết luận bóng đá Việt Nam sẽ sa sút. Không thể vì thất bại tại U23 châu Á 2020 mà công tác đầu tư, đào tạo chậm hoặc dừng lại. Nếu để điều đó xảy ra mới thực sự là thất bại.

Nói đúng hơn, thất bại vừa qua là một phép thử rất quan trọng. Sau cú sốc đó, cách nhìn nhận của người hâm mộ ra sao, thái độ của các nhà đầu tư thế nào sẽ quyết định lớn đến sự phát triển những năm kế tiếp. Cũng cần thiết phải rà soát công tác đào tạo trẻ, tìm ra nguyên nhân tại sao thế hệ kế cận lại có khoảng cách xa so với lứa sinh năm 1995-1997 dù cùng “lò” hoặc hệ thống đào tạo. Nhưng theo nhiều chuyên gia, cốt lõi vẫn là hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam hiện nay chưa được quan tâm đúng mức như cấp độ đội tuyển quốc gia. Nếu V-League không thu hút thêm được khán giả, nếu các giải đấu trẻ có quá ít thời gian thi đấu, nếu nguồn tiền cho bóng đá chỉ tập trung cho phần đội tuyển mà thiếu những khoản đầu tư dài hạn cho CLB thì chắc chắn hệ thống cơ sở vật chất, hoạt động đào tạo trước sau gì cũng sẽ lâm vào tình trạng thiếu trước hụt sau cả về tài chính lẫn đầu vào.

HLV Park Hang-seo hiện chỉ mới bắt đầu giai đoạn thứ 2 làm việc cùng bóng đá Việt Nam và đội tuyển quốc gia hiện vẫn có tuổi đời khá trẻ, vẫn còn dư địa để phát triển và chờ đợi lực lượng kế thừa. Nhưng như đã nói, nếu không triệt để nhìn nhận bài học từ thất bại của U23 thì cái giá mà nền bóng đá sẽ trả còn đắt hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục