Bài 6: Gỡ rào cản về nguồn lực

Làm gì để khơi dậy phong trào kinh tế hợp tác phát triển mạnh mẽ? Đâu là thuận lợi, vướng mắc trong quá trình hoạt động? Với tư cách là người trong cuộc, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP nhiều vấn đề tâm huyết liên quan đến kinh tế 
tập thể (KTTT). 
Mua bán tại Coopmart Cống Quỳnh Ảnh: CAO THĂNG
Mua bán tại Coopmart Cống Quỳnh Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Diệp Dũng, nhiều năm qua KTTT đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt, thể hiện qua hàng loạt các văn bản, các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để các lĩnh vực KTTT phát triển. Nhưng thực tế, so với các thành phần kinh tế khác, KTTT của cả nước vẫn còn rất yếu, xét ở nhiều góc độ như đóng góp vào GDP, quy mô hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ… Có nhiều nguyên nhân, trong đó việc hiểu đúng về KTTT của các cán bộ lãnh đạo, cũng như người dân còn rất hạn chế. Bản thân Luật HTX 2012 cũng còn những vướng mắc nhất định.  
Tại TPHCM, có được Saigon Co.op lớn mạnh như hiện nay là nhờ sự dày công vun đắp của Đảng bộ, chính quyền TPHCM qua nhiều thời kỳ. Thể hiện rõ nhất là khi Saigon Co.op gặp những khó khăn trong thực tiễn thì được tháo gỡ ngay, chứ không chỉ dựa vào lý luận, vào luật.

° Phóng viên: Theo quan sát của ông, lĩnh vực KTTT nào được xem là có thế mạnh, phát triển tốt? Còn với những lĩnh vực phát triển không tốt thì nguyên nhân do đâu?

° Ông Diệp Dũng: Các mô hình HTX ở Việt Nam đến nay mạnh ở lĩnh vực HTX vận tải công cộng và hàng hóa; lĩnh vực thương mại dịch vụ cũng phát triển khá mạnh do được kế thừa các HTX mua - bán từ sau ngày thống nhất đất nước; kế đến là lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và nay là phong trào phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới.

Nhìn vào cách thức hoạt động của các HTX, có thể thấy ngay là hầu hết các HTX đều bị hạn chế về vốn, dẫn đến việc đầu tư về công nghệ còn rất yếu. Muốn các HTX thực sự chuyển đổi về chất thì phải huy động được vốn từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển. Mặt khác, do mô hình hoạt động nhỏ lẻ, chỉ có nội bộ góp vốn với nhau để cùng quản lý, điều hành HTX nên đa số vẫn chưa thể tiếp cận được với sự phát triển của công nghệ và tiến bộ trong công tác quản trị. Chỉ một số rất ít các HTX lớn vọt lên, rất cần huy động các nguồn lực từ xã hội để phát triển, lại bị vướng vào các quy định từ Luật HTX. Nói cách khác, Luật HTX 2012 có thể ví như một cái áo vẫn vừa vặn cho đại đa số các HTX nhưng lại trở nên chật chội đối với mô hình HTX lớn vọt, làm hạn chế sự phát triển.

° Liệu có cần sửa Luật HTX 2012 không, thưa ông?

° Như tôi đã nói, hiện các HTX đang có sự phân cực giữa các HTX nhỏ và HTX có quy mô lớn như Saigon Co.op. Trong Luật HTX 2012, có điều khoản quy định giao dịch nội bộ HTX phải chiếm trên 50% nhưng hiện Co.opmart lại đang bán hàng cho 7 - 8 triệu người tiêu dùng. Doanh thu của Co.opmart cũng đến từ những khách hàng này. Nếu phải kết nạp họ trở thành xã viên sẽ gặp rất nhiều rắc rối cho bộ máy quản lý, không hiệu quả. Do vậy, cần có các cơ chế đặc thù cho những HTX đã lớn mạnh, đang hoạt động trong lĩnh vực đặc thù. Còn nếu việc sửa luật mà phù hợp cho tất cả các loại hình HTX thì càng tốt. 

° Bản thân Saigon Co.op đang xoay xở ra sao? Cụ thể của cơ chế đặc thù này là gì?

° Saigon Co.op đang loay hoay với bài toán thiếu vốn. Nếu huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển thì bị xem là làm trái luật, còn thực hiện theo đúng luật, tức là chờ vốn góp của chính xã viên, chắc chắn sẽ thua! Hiện nay, Saigon Co.op đang phải đối đầu, cạnh tranh với các đối thủ là các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đứng thứ 16 thế giới; Tập đoàn Casino (Pháp), chủ đầu tư chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) Big C đã chuyển giao cho một đối tác Thái Lan xếp thứ 15; Tập đoàn Auchan (Pháp) thứ 13; Seven Eleven đứng thứ 19; Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đứng thứ 4… Trong khi Saigon Co.op mới chỉ xếp vào tốp 200 nhà bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Công ty Vincomerce (thuộc Tập đoàn Vingroup) thì chưa có tên trong bản đồ các nhà bán lẻ mạnh trong khu vực. 

Các nhà bán lẻ thế giới đang đầu tư rất mạnh vào Việt Nam. Đơn cử như Aeon đang xây dựng TTTM ở Hà Nội với vốn đầu tư 200 triệu USD, một TTTM tại Đà Nẵng cũng khoảng 100 triệu USD và một TTTM tại quận 8 (TPHCM) khoảng 200 triệu USD. Kế hoạch đến năm 2020, Aeon đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng phát triển mới hệ thống bán lẻ; Emart cũng sẽ đầu tư 25.000 tỷ đồng; Lotte Mart và Auchan sẽ nâng vốn điều lệ lên vài chục ngàn tỷ đồng. Muốn thắng trong “trận chiến bán lẻ” tại Việt Nam, Saigon Co.op phải huy động được vốn mới có thể phát triển đầu tư. 

° Vậy làm thế nào vừa huy động được nguồn lực xã hội để phát triển nhưng vẫn giữ vững bản chất của một HTX?

° Theo tôi, có thể huy động các công ty tư nhân hoặc cá thể tham gia góp vốn, góp sản phẩm nhưng phải tuân thủ hoạt động theo cơ chế, mục tiêu của HTX. Còn nếu bản thân các HTX chỉ hoạt động theo luật sẽ rất khó. Hiện Saigon Co.op đã có phương án gỡ những điểm khó, các rào cản từ Luật HTX trong việc huy động vốn trình lãnh đạo TPHCM và được UBND TP thông qua. Chúng tôi tiếp tục hoàn chỉnh để trình Thành ủy TP.  

Bối cảnh của thị trường bán lẻ hiện nay đã khác rất xa so với 10 năm trước. Trước đây, Saigon Co.op “một mình, một chợ”, cạnh tranh còn rất ít, định danh về cơ chế thị trường chưa rõ ràng, nhiều cái có thể làm theo kiểu cũ, bây giờ khi chúng ta tham gia vào “cuộc chơi”, cần một nguồn lực tối thiểu thì mới nói đến “cách đánh”. Nhưng không thể chậm hơn! Từ nay đến năm 2020 là con đường cửa ngõ, trong hai năm 2017 và 2018, nếu Saigon Co.op không làm được sẽ thua trên sân nhà. 

° Cụ thể, phương án mà Saigon Co.op trình lãnh đạo TPHCM gồm những gì?
° Chiến lược, mục tiêu phát triển của Saigon Co.op từ nay đến 2025, định hướng 2030, đó là tiếp tục là ngọn cờ đầu của phong trào HTX cả nước, giữ vững vị thế của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Để thực hiện được các mục tiêu này, chúng tôi tập trung vào 3 giải pháp ở diện rộng, gồm logistics, công nghệ thông tin, phát triển mạng lưới; 2 giải pháp chiều sâu là chiến lược hàng hóa - giá bán, các dịch vụ tiện ích cộng thêm. 5 giải pháp này dựa trên 2 nền tảng là đội ngũ quản lý và nguồn lực. Hiện nay, đội ngũ quản lý tại Saigon Co.op phải được giữ ổn định, vì tại Việt Nam không có trường lớp nào đào tạo về ngành bán lẻ, nên nó phải được vận hành bởi những con người thực sự am hiểu về thị trường, thị hiếu tiêu dùng. Saigon Co.op vẫn đang tập trung để đào tạo, phát triển đội ngũ quản lý. Vấn đề còn lại là có đủ nguồn lực, cụ thể là vốn để thực hiện hay không. Bài toán cuối cùng đặt ra là Saigon Co.op sẽ huy động nguồn lực xã hội ra sao và bằng cách nào để triển khai thực hiện tốt nhất 7 giải pháp này. 

° Là người hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực KTTT, ông trăn trở về điều gì?

° Tôi rất buồn vì cho đến nay chúng ta vẫn chưa có cách nhìn, cách hiểu đúng về KTTT. Đối với người dân, thà có tiền đầu tư vào các công ty hoặc thành lập doanh nghiệp hơn là tham gia vào các HTX. Muốn HTX phát triển thì phải có những con người cụ thể cùng tham gia góp vốn để cùng làm. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước thì đang áp dụng cơ chế quản lý các HTX như là một doanh nghiệp nhà nước, đã tạo một lực cản rất lớn cho các HTX trong quá trình phát triển. Chỉ khi nào người dân hiểu rõ hơn về tính chất, mục tiêu của các HTX hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi, khi đó mới có thể huy động được nhiều nguồn lực tham gia, đưa KTTT ngày càng lớn mạnh.
 
° Xin cảm ơn ông

Tin cùng chuyên mục