Bài 4: Học Bác để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn

Học Bác để phụng sự Tổ quốc, sống tốt hơn

Bài 4: Học Bác để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta: “Người tốt, việc tốt như hoa nở mùa xuân, nêu gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”; và “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Bài 4: Học Bác để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn ảnh 2

Giữa guồng quay hối hả của nhịp sống hiện đại, khi người ta dần nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn thì đôi khi ta hoài nghi về lòng tốt trong cuộc sống. Có những điều bình thường và giản dị về ý chí, nghị lực, lòng nhân ái ngay giữa cuộc sống này nhưng lại mang một nguồn năng lượng vô tận để cho chúng ta yêu, chúng ta tin và đón nhận, sẻ chia. Câu chuyện về hai cậu học trò Nguyễn Tất Minh và Ngô Văn Hiếu (trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa) chính là một tấm gương của ý chí, nghị lực phi thường, một tình bạn đẹp, đầy nhân ái cảm động, như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Minh và Hiếu đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đồng Thắng, Triệu Sơn, Thanh Hóa, một vùng quê nghèo, lam lũ, hiếu học. Nhưng Minh không may mắn khi ngay từ lúc lọt lòng, em đã bị liệt hai chân và bàn tay phải. Biết mình bị khiếm khuyết, nhưng Minh vẫn luôn ao ước được cắp sách đến trường như các bạn cũng như ấp ủ ước mơ sẽ trở thành một lập trình viên, kỹ sư tin học, bởi “nếu cuộc đời cho ta cả trăm lý do để khóc, hãy cho đời thấy ta có cả ngàn lý do để cười”.

Và rồi em có Hiếu- người bạn thân thiết trở thành đôi chân, tiếp thêm ngọn lửa đưa em tới trường, giúp em thực hiện ước mơ. Suốt 10 năm qua, Minh được Hiếu cõng tới trường, được thầy cô, bạn bè quan tâm, yêu thương, chia sẻ. Với thế giới, Hiếu chỉ là một người bình thường nhưng với Minh thì Hiếu là cả thế giới.

Cũng như Minh, Hiếu lớn lên trong một gia đình thuần nông. Bố mẹ Hiếu hàng ngày vất vả, bươn chải mưu sinh cũng luôn cố gắng để nuôi dạy và cho hai con ăn học, biết làm được nhiều điều tốt ở đời.

Lần đầu tiên khi bước vào lớp 1, gặp Minh, Hiếu đã hết sức bất ngờ vì không nghĩ rằng Minh có thể đi học được như bao bạn khác. Từ góc cuối lớp, nhìn thấy Minh say sưa trong mỗi giờ học, đam mê tìm tòi và khám phá, Hiếu thật sự cảm phục. Từ sâu thẳm trái tim mình, Hiếu mong muốn được giúp Minh, cùng Minh tới trường và vun đắp ước mơ, hoài bão. Năm lớp 3, Hiếu bắt đầu biết đi xe đạp, cũng là bắt đầu hành trình cõng bạn tới trường, viết lên câu chuyện cổ tích về một tình bạn đẹp.

Suốt những năm học tiểu học, THCS cho đến khi là học sinh Trường THPT Triệu Sơn 5, Minh và Hiếu luôn bên nhau, cùng nhau tới trường, cùng nhau về nhà, cùng kể cho nhau nghe chuyện trường, chuyện lớp, chuyện vui, buồn. Tới trường cùng Minh, đối với Hiếu đã là một nếp nghĩ, một thói quen, một niềm vui, hạnh phúc thường nhật. 10 năm cõng Minh tới trường - làm đôi chân đưa bạn đến lớp, chắp thêm cho bạn động lực thực hiện được ước mơ, Hiếu chưa bao giờ phàn nàn hay bỏ cuộc. 

Bài 4: Học Bác để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn ảnh 3
Đôi bạn ấy đã có những năm tháng học trò cùng nhau thật đẹp và giỏi giang. Năm học 2018- 2019, cả Hiếu và Minh đều là những học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Minh thi đạt 28,1 điểm, đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội danh giá, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành kỹ sư tin học. Còn Hiếu, điểm thi 28,15 (thiếu 0,25 điểm) đã không đủ giúp cậu trúng tuyển ngành Y đa khoa của trường Đại học Y Hà Nội- ngành học nổi tiếng lấy điểm chuẩn cao nhất nhì trong nhiều năm qua. Khi ấy, nhiều người tiếc nuối đã đặt vấn đề xét đặc cách cho trường hợp đặc biệt này, song Hiếu lại không nghĩ đến điều đó.
Cậu chia sẻ, ngành Y đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội là nguyện vọng 1, tuy nhiên, xin để được đặc cách vào đó không phải là nguyện vọng của em. Bởi em muốn vào đại học bằng chính năng lực của mình, không dựa vào điều gì khác. Dù buồn khi tới đây Hiếu sẽ theo học Y Thái Bình, sẽ ở xa Minh, không được ở cạnh để giúp đỡ bạn hằng ngày, nhưng Hiếu tin rằng, ở bất cứ đâu, Minh đều sẽ có những người bạn tốt, sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ, bởi cuộc đời luôn có những điều tốt đẹp hiện hữu. “Hiếu-con người thông minh, nhân ái và tự trọng”, trở thành câu chuyện truyền cảm hứng những ngày qua. 
Bài 4: Học Bác để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn ảnh 4

Nguyễn Tất Minh và Ngô Văn Hiếu là một trong những cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015- 2020.

Cô Trần Thị Thúy Nga, giáo viên Trường THPT Triệu Sơn 5, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, đôi khi trong cuộc đời, ta mong vươn tới trời cao biển rộng, mà quên rằng hoa từ đất mà ra…  Minh và Hiếu là những đóa hoa như thế, bình dị, lặng lẽ tỏa hương, hương của ánh sáng lương thiện, tình người, của niềm tin, ý chí và nghị lực. Câu chuyện ấy giản dị, không màu mè nhưng đủ để làm ấm lại những trái tim khô cằn, thắp lên những niềm tin, hi vọng về những điều tốt đẹp, trân quý trong cuộc sống. 

Bài 4: Học Bác để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn ảnh 5

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Giảng sư cao cấp tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội (Viện Trần Nhân Tông) được biết đến là một người rất nhiệt thành trong nhập thế đưa Phật giáo vào đời sống xã hội, hướng dẫn tín đồ Phật tử thực hành đúng chính pháp giáo lý của Đức Phật và pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhất là trong cuộc chiến đấu chống lại Covid- 19.

Thượng tọa Thích Đức Thiện luôn tâm niệm, làm từ thiện phải từ cái tâm, không màng danh lợi. Bởi thế bao năm qua, Thượng tọa đã cùng các tăng ni, phật tử thường xuyên động viên, thăm hỏi những số phận bất hạnh, các em nhỏ bị bệnh, người già yếu neo đơn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Là người học nhiều, hiểu rộng, lại có thời gian dài học tập, làm việc ở nước ngoài, Thượng tọa Thích Đức Thiện hiểu hơn ai hết câu chuyện “con cá và cái cần câu”. Thầy từng nhiều lần chia sẻ: “Làm từ thiện chỉ là hoạt động mang tính chất tạm thời, nó phụ thuộc vào tấm lòng của Phật tử. Từ thiện không chỉ đơn thuần là cho và nhận, mang đến cho đồng bào gói quà hay là vài trăm nghìn đồng. Từ thiện cũng có thể là góp phần đưa người dân mình giàu hơn, hạnh phúc hơn trong tương lai lâu dài. Muốn thế thì cần tạo cho họ một nền tảng bằng nghề nghiệp ổn định. Tôi nghĩ, cần phải hướng nghiệp, nâng cao trình độ cho người dân của mình, đặc biệt là ở các vùng nông thôn”.

Vì vậy, mỗi khi có cơ hội, thầy lại cùng các phật tử kết hợp với các tổ chức, đơn vị mở các lớp phổ cập tin học, ngoại ngữ dành cho học sinh, thanh niên. Thầy khuyến khích con em các gia đình khó khăn học nghề để có thể làm việc trong các khu công nghiệp, góp phần giúp họ tạo dựng cuộc sống mới có ích cho gia đình và xã hội.

Đặc biệt trong mùa dịch Covid-19, Thượng tọa Thích Đức Thiện cùng các phật tử đã tổ chức nhiều hoạt động quyên góp, giúp đỡ những người yếu thế, dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của dịch bệnh. Giáo hội đã tổ chức đoàn đến tận nơi phát quà ở xóm chạy thận bệnh viện Bạch Mai, mở các siêu thị 0 đồng, các cây ATM giúp người dân tại nhiều địa phương vượt qua khó khăn.

Thượng tọa khởi động việc hỗ trợ, tặng hơn 40 tấn gạo cho công nhân các khu công nghiệp Bắc Ninh. Từ điểm sáng Bắc Ninh, việc giúp đỡ, tặng nhu yếu phẩm cho công nhân được tiếp tục triển khai và mở rộng đối dành cho công nhân ở các khu công nghiệp Hà Nam, Cần Thơ. Nhờ đó, hàng ngàn gia đình công nhân nhờ những món quà ân tình đó đã mạnh mẽ hơn khi bước qua những ngày khó khăn trong mùa Covid-19.

Bài 4: Học Bác để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn ảnh 6
Không chỉ lo làm việc thiện, vị Thượng tọa còn dốc lòng lo việc trồng cây, gây rừng. Với Thượng tọa, trồng rừng, trồng cây là thiết thực sống và làm việc theo gương Bác Hồ mà Thượng tọa vô cùng kính yêu. Thông điệp mỗi người trồng cây xanh cho thế giới thêm xanh cũng xuất phát từ giáo lý nhà Phật.
“Đức phật sinh ra bên cây Vô ưu, thành đạo trong rừng, nhập niết bàn bên cạnh cây Sala, đời sống tu tập đều gắn bó với cây và rừng. Việt Nam chúng ta lại có tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động với ý nghĩa việc trồng cây cũng như trồng người, đều đem lại lợi ích lâu dài cho xã hội, cho dân tộc, cho đất nước”, Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ. Đó là lý do mà trong những năm qua, Thượng tọa cùng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã có nhiều chương trình trồng cây để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 
Bài 4: Học Bác để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn ảnh 7

Là Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Điện Biên, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã phát động trồng 10.000 cây hoa ban ở Điện Biên, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo cảnh quan du lịch cho mùa lễ hội hoa ban. Giáo hội cũng đã tổ chức trồng 1.000 cây hoa lan ở các chùa khu vực đồng bằng sông Hồng và các di tích.

Thượng tọa cũng là người đồng sáng lập Trung tâm Phát triển thế giới thêm xanh, phát động chương trình chung tay trồng rừng Việt Nam. Hai năm qua, chương trình đã trồng được hơn 2 triệu cây xanh ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên... để góp phần làm lành những cánh rừng bị cháy.

Mới đây, Thượng tọa Thích Đức Thiện kêu gọi Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam trồng 2ha thông trên núi Phia Nhằm, chùa Phật Tích Bản Giốc (Cao Bằng). Hưởng ứng lời kêu gọi của Thượng tọa Thích Đức Thiện, nhiều chùa, sơn môn hệ phái trong cả nước đã trồng phủ xanh hàng ngàn ha đồi núi trọc. Giáo hội cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động trồng cây trong khuôn viên các trường học...

Những câu chuyện về những con người bình dị như Nguyễn Tất Minh và Ngô Văn Hiếu hay Thượng tọa Thích Đức Thiện chính là minh chứng sống động về học tập và làm theo Bác, để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, vươn tới những giá trị văn hoá chân- thiện- mỹ trong cuộc sống.

Có thể nói, trong thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả của việc học tập và làm theo tấm gương Bác đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, củng cố nền tảng tư tưởng và đạo đức cho toàn xã hội; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam hăng hái phấn đấu, thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bất cứ ở lĩnh vực nào, địa phương nào, ở đâu, chúng ta cũng có thể tìm thấy những tập thể, cá nhân chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực vươn lên, vượt qua thử thách và cống hiến hết mình ngày đêm để góp phần không nhỏ vào những thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh, như triệu mạch nguồn tạo thành sông, muôn con sông hòa thành biển lớn, mỗi người chúng ta cố gắng từng ngày, từng giờ làm những việc có lợi cho dân, cho nước, coi đó là trách nhiệm và danh dự của bản thân. Điều đó sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng và lan tỏa rộng khắp, trở thành động lực mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống giá trị hơn trăm bài diễn văn”, sức mạnh của nêu gương là vô cùng to lớn, gương mẫu là một mệnh lệnh không lời. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, giáo viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo cần tăng cường tinh thần nêu gương “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của người đứng đầu, sự gương mẫu trong mỗi cán bộ, giáo viên trong sinh hoạt, ứng xử, đạo đức lối sống, ý chí phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Những tấm gương tiêu biểu  về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là “thành trì” ngăn chặn, chấn chỉnh, uốn nắn các nhận thức, hành vi lệch lạc, giúp chúng ta bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điều đó cũng đã khích lệ, nâng bước chúng ta thêm vững vàng, tự tin trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

Bài 4: Học Bác để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn ảnh 8

Tin cùng chuyên mục