Khi tổ chức Đảng không còn “lãnh đạo toàn diện” trong doanh nghiệp cổ phần hóa

Bài 4: Cần đánh giá nghiêm túc, toàn diện về cổ phần hóa

Ngày 10-9, tại Hà Nội, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Viết Thông (ảnh), Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, về công tác Đảng trong các doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa và thực hiện chủ trương cổ phần hóa trong những năm qua. 

Đây là một vấn đề mà theo ông, trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tới đây, Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá một cách nghiêm túc, cụ thể, toàn diện về quá trình thực hiện cổ phần hóa từ thực tế với kết quả ra sao, hiệu quả mang lại của nó là gì. Ông nói: “Cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, nhưng trong quá trình làm chúng ta có những sai phạm dẫn đến một số nơi bị mất đất, mất tài sản, mất con người và mất cả tổ chức”.

Bài 4: Cần đánh giá nghiêm túc, toàn diện về cổ phần hóa ảnh 1

Mô hình và phương thức hoạt động chưa theo kịp

 * PHÓNG VIÊN: Xét về lý luận công tác xây dựng Đảng, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

* PGS-TS NGUYỄN VIẾT THÔNG: Đối với DN ngoài khu vực nhà nước (gồm DN cổ phần hóa, DN đầu tư nước ngoài, DN tư nhân), việc hình thành tổ chức Đảng đang có nhiều vấn đề đặt ra. Hình thành nên nó đã là vấn đề lớn rồi, còn đi vào hoạt động với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động ở khu vực này như thế nào cũng là một vấn đề đặt ra, nhất là đối với những DN mà Nhà nước đã thoái hết vốn. Xây dựng Đảng tại các DN ngoài khu vực nhà nước đang là vấn đề cần được nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn.

Trong nhiều năm qua, Đảng ta có chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và cổ phần hóa DN nhà nước. Hiện nay, theo đánh giá là phát triển quá nhanh, nhất là về cổ phần hóa. Tuy chưa đạt được mục tiêu đặt ra, nhưng số DN nhà nước hiện còn lại rất ít, hầu hết đã được cổ phần hóa.

Thực tế cho thấy, khi cổ phần hóa quá nhanh, mô hình và phương thức hoạt động của tổ chức Đảng đã không theo kịp với sự phát triển; đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ, vai trò của tổ chức Đảng chưa được xác định rõ. Hoạt động của tổ chức Đảng tại đây khác hẳn so với lúc chưa cổ phần hóa. Nơi nào chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc còn nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Đảng, thì còn có sự quan tâm. Còn nếu không nhiệt tình thì hoàn toàn hoạt động theo DN tư nhân, vai trò lãnh đạo của Đảng mờ nhạt, đứng ngoài hoạt động của DN.

* Mấu chốt của vấn đề xây dựng Đảng trong các DN ngoài khu vực nhà nước được xác định là gì, thưa ông?

* Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tới đây phải đề cập đến vấn đề xây dựng Đảng về tổ chức trong các DN ngoài khu vực nhà nước, đặc biệt là những DN cổ phần hóa. Chức năng, nhiệm vụ, rồi vai trò của Đảng trong các loại hình DN này như thế nào cũng cần được xác định rõ. Vấn đề ở đây là “Tổ chức và tổ chức”. Thực tế cho thấy câu chuyện tổ chức Đảng ở khu vực kinh tế rất quan trọng này đang có nhiều vấn đề và nhiều năm nay chưa được làm rõ về chức năng, nhiệm vụ cũng như vai trò lãnh đạo.

Cần tổng kết việc thoái vốn nhà nước trong các DN đang phát triển

* Có thực tế là khi Nhà nước thoái hết vốn, chủ đầu tư đã chuyển hướng sản xuất, kinh doanh sang ngành nghề khác, không đi theo định hướng phát triển ngành có tính định hướng, chủ đạo nền kinh tế và có thế mạnh thương hiệu mà DN xây dựng nhiều năm qua. Có nhiều nhà đầu tư mua DN của Nhà nước nhằm mục đích chiếm dụng quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất, ông nghĩ sao về thực tế này?

* Đúng, có tình trạng này trong quá trình cổ phần hóa DN nhà nước, và trên thực tế chúng ta đã mất quá nhiều tài sản, đất đai, nguồn lực phát triển của DN nhà nước được tạo dựng lên từ nhiều năm qua. Chủ trương cổ phần hóa của Đảng và Nhà nước là hết sức đúng đắn, thế nhưng, cách làm của chúng ta từ lâu nay đã mắc không ít sai phạm, nhất là chưa làm rõ được cổ phần hóa như thế nào.

Thời gian qua, nhờ báo chí phát hiện, lên tiếng nên chúng ta đã ngăn được một số trường hợp cổ phần hóa suýt nữa làm mất tài sản lớn của Nhà nước. Có nhiều DN đã cổ phần hóa không đúng, gây sai phạm rất lớn. Cái lỗi lớn nhất của chúng ta làm từ trước đến nay là định giá tài sản khi cổ phần hóa, trong đó có định giá đất không đúng thực tế, làm mất lớn nhất tài sản của Nhà nước. Định giá tài sản, kể cả tài sản đất và trên đất, thường là thấp hơn giá thị trường.

Bài 4: Cần đánh giá nghiêm túc, toàn diện về cổ phần hóa ảnh 2 Nhà xưởng và nhiều khu đất vàng của Công ty cổ phần Caric đã rơi vào tay tư nhân, trong đó có khu đất số 16 Đào Trí (phường Phú Thuận, quận 7) và khu đất số 17 Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1)

Nhà đầu tư họ hưởng lợi từ đấy, còn Nhà nước thì mất. Khi đã mua được DN nhà nước, nhiều nhà đầu tư lại không quan tâm gì đến sản xuất. Người lao động đang làm việc trong DN ngành nghề nào đó, nhưng khi cổ phần hóa, chủ DN chuyển đổi sản xuất sang ngành khác, làm cho nhiều người không thích nghi được với sự chuyển đổi mục đích sản xuất của DN và bị đẩy ra ngoài, còn tổ chức Đảng và các đoàn thể thì rệu rã, tự giải thể.

* Chủ trương cổ phần hóa không xác định mục tiêu thoái hết vốn nhà nước hay để lại bao nhiều phần trăm, nhưng thực tế nhiều nơi đã thoái hết vốn, thưa ông.

* Đảng, Nhà nước cần tổng kết nghiêm túc, cụ thể, toàn diện về chủ trương cổ phần hóa, về thoái vốn DN nhà nước. Hiệu quả đem lại về kinh tế, chính trị, xã hội được gì, mất gì, đến đâu, như thế nào thì phải được làm rõ. Đặc biệt là tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội trong các DN cổ phần hóa này sẽ hoạt động ra sao. Cái quan trọng nhất là cổ phần hóa đã đem lại cho xã hội được gì, có lợi cho đất nước, cho người lao động hay không, có vì dân không.

Mục đích cuối cùng là vì dân, như Bác Hồ đã căn dặn: Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, cái gì không có lợi cho dân thì hết sức tránh. Bây giờ phải xem lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa, nhất là cổ phần hóa thoái hết vốn của Nhà nước. Một số DN tư nhân đã lợi dụng chủ trương cổ phần hóa và thoái vốn để thâu tóm DN, chuyển mục đích hoạt động, lấy đất, lấy tài sản của Nhà nước và đẩy người lao động ra ngoài. Đấy là vấn đề mà Đảng cần nhìn thẳng vào, chỉ ra những sai phạm, thiếu sót, tồn tại từ chủ trương cổ phần hóa này.

* Ở những DN được xác định là ngành chủ đạo, công nghiệp mũi nhọn, có tính định hướng của nền kinh tế, nên chăng cần giữ lại một phần vốn nhà nước mà DN đã tạo dựng thành một thương hiệu lớn?

* Trong chủ trương, Đảng có xác định cổ phần hóa cả DN làm ăn thua lỗ, lẫn DN đang phát triển. Đối với DN đang phát triển, quản lý tốt, lợi nhuận cao, đóng góp lớn cho xã hội, cho Nhà nước, thì cũng nên tổng kết xem hiệu quả như thế nào.

Tôi lấy ví dụ như ở Công ty Bia Sài Gòn và một số DN trong hệ thống bán lẻ đã rơi vào tay tư nhân, các ông chủ không cho hàng hóa Việt Nam vào hệ thống tiêu thụ của họ. Nhà nước được gì, người lao động được gì ở đây?

Cho nên, chúng ta phải đánh giá lại thực tế một cách toàn diện hiệu quả của cổ phần hóa về chính trị, kinh tế, xã hội xem được, mất như thế nào, chứ không đơn thuần là hiệu quả về kinh tế. Nhà nước thoái hết vốn có được một khoản tiền lớn đấy, nhưng về lâu dài có thực sự hiệu quả không.

Mặt trái cổ phần hóa thoái hết vốn của Nhà nước là chủ DN chỉ biết đến lợi nhuận, nhiều khi phớt lờ cả lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của người lao động. Nếu là DN cổ phần hóa còn phần vốn nhà nước, còn tổ chức Đảng, công đoàn và các tổ chức chính trị, xã hội thì có thể kiểm soát được hoạt động của DN, ngăn những lệch lạc đi ngược lại lợi ích chung, làm thất thoát tài sản của xã hội

Tin cùng chuyên mục