Bài 3: Những tấm gương tự học và sáng tạo

Học Bác để phụng sự Tổ quốc, sống tốt hơn

Bài 3: Những tấm gương tự học và sáng tạo

Bác Hồ đã dạy “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội ngày càng đi tới, công việc ngày càng nhiều, máy móc ngày càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. 
Tiến sĩ  Lò Văn Pấng, sinh năm 1975, giảng viên người Thái Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Điện Biên, có thể nói là một tấm gương điển hình học Bác về đạo đức, tự học và sáng tạo.
Là một giảng viên người dân tộc Thái sinh ra và lớn lên tại Điện Biên, một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn của Việt Nam. Dân cư với khoảng 80% dân số là dân tộc thiểu số, Lò Văn Pấng luôn có ý thức trách nhiệm và gắn bó với quê hương mình và dốc sức cho sự nghiệp phát triển của nền giáo dục Điện Biên.
Bài 3: Những tấm gương tự học và sáng tạo ảnh 3

“Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nếu người thầy không tự học, tự bồi dưỡng thì sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người học cũng như của ngành giáo dục trong thời đại mới. Để đáp ứng được yêu cầu đó, người thầy phải không ngừng học tập để nâng cao phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ như ngoại ngữ, tin học và chính trị của mình”, Lò Văn Pấng tự nhủ.

Do đó, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã luôn tự hứa với bản thân là cố gắng nâng cao trình độ của mình cho phù hợp với nhu cầu của thời đại. Anh đã vượt qua mọi khó khăn của bản thân cũng như môi trường công tác để hoàn thiện khóa học thạc sĩ - trở thành Thạc sĩ chuyên ngành tiếng Anh đầu tiên của tỉnh Điện Biên.

Chưa hài lòng với trình độ của bản thân, Lò Văn Pấng nộp đơn xin học bổng ADS và hoàn thành khóa học Tiến sĩ giáo dục của Trường Đại học Flinders, Australia vào năm 2017, trở thành người đầu tiên tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh tại một nước nói tiếng Anh của tỉnh Điện Biên.

Bài 3: Những tấm gương tự học và sáng tạo ảnh 4

TS Lò Văn Pấng chia sẻ: Điện Biên là một tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa của Tổ quốc, giao thông đi lại khó khăn. Sáng sớm khởi hành từ Điện Biên bằng xe khách thì chiều tối mới về tới Hà Nội. Trong khi đó, hầu hết các hội thảo trong nước và quốc tế đều được tổ chức tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Hơn thế nữa, thu nhập của giáo viên còn quá thấp, chưa đủ để trang trải cho các hoạt động chuyên môn theo nguyện vọng.

Nhưng với TS Lò Văn Pấng, anh tự nhủ: Để hoàn thiện bản thân thì phải vượt trở ngại và với tâm niệm nhà giáo là nhà nghiên cứu và là nhà thực hành để kiểm nghiệm các công trình nghiên cứu của mình. Do đó, trong những năm qua, anh đã tham gia chia sẻ nghiên cứu của mình tại 5 cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, Lào và Australia. Đó chính là những cơ hội để giảng viên người dân tộc Thái - Lò Văn Pấng chiếm lĩnh đỉnh cao của tri thức.

Trong tất cả các năm công tác, TS Lò Văn Pấng đều có đề tài khoa học và các bài báo xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành trong nước cũng như quốc tế. Những nghiên cứu của TS không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi của trường mà còn có ý nghĩa tham khảo cho các giáo viên và nhà giáo dục Điện Biên cũng như cả nước về giảng dạy tiếng Anh cho học sinh có nhu cầu đặc biệt.

Từ thực tế bản thân, TS Lò Văn Pấng đã nguyện giúp các em học sinh có điều kiện khó khăn, thiếu thốn, vượt qua nghịch cảnh để vươn lên. Và sự thật, anh đã phấn đấu không ngừng để trở thành một tấm gương trong học tập để cho đồng nghiệp và học sinh noi theo. 

Bài 3: Những tấm gương tự học và sáng tạo ảnh 5

PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM cũng là một câu chuyện tạo nhiều cảm xúc như vậy.

Sinh ra ở vùng quê nghèo phường Long Phước, quận 9, TPHCM, tuổi thơ lớn lên cùng ruộng đồng, Nguyễn Thị Hiệp là một người thích nghiên cứu từ nhỏ. Do đó, khi lớn lên Hiệp quyết định thi vào khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM để theo đuổi mơ ước.

Kết thúc 4 năm học với kết quả luận văn xuất sắc về công trình dùng nhựa trong việc chế tạo Pin năng lượng, công trình của Hiệp được chọn đi thi và đoạt các giải cấp trường, cấp Đại học quốc gia, cấp Nhà nước. Với kiến thức về nhựa, Nguyễn Thị Hiệp nộp hồ sơ xin học bổng và tiếp tục con đường nghiên cứu trên các vật liệu nhựa sinh học ở Hàn Quốc nhằm tạo ra các thiết bị và bộ phận nhân tạo giúp bác sĩ có nhiều liệu pháp điều trị hơn.

Với tâm huyết đó, những năm tháng ở nước ngoài, Nguyễn Thị Hiệp đã cố gắng học các phương pháp hiện đại dùng trong điều trị như: các phương pháp điều trị bỏng da, lở loét do nhiễm trùng hay tiểu đường, phương pháp thay mạch máu nhân tạo hay chế tạo mạch máu nhân tạo, các phương pháp tái tạo xương. 

Bài 3: Những tấm gương tự học và sáng tạo ảnh 6
Chị chia sẻ: “Khi ở Hàn Quốc, tôi cũng có những công bố khoa học và từng đăng ký 4 bằng sáng chế nhưng phải ghi địa chỉ là Korea… Những nghiên cứu đó cuối cùng cũng thuộc về nước họ, nên tôi không thấy có động lực nghiên cứu và muốn trở về làm khoa học trên quê hương mình”.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ vào năm 2012, chị trở về nước để phát triển hướng nghiên cứu Y học tái tạo tại Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM (nay là Khoa Kỹ thuật Y Sinh). Đây là một hướng rất mới, do đó có rất nhiều thách thức nhưng cũng là động lực để Nguyễn Thị Hiệp đưa sản phẩm ra thị trường.

Dưới sự hỗ trợ của Trường Đại học Quốc tế và Đại học Quốc gia TPHCM, Nguyễn Thị Hiệp đã dần xây dựng phòng thí nghiệm và bắt đầu hoạt động hiệu quả từ năm 2015. Phòng thí nghiệm ban đầu với "3 không": không tài trợ, không dự án, không máy móc.

“Lúc đó Bộ môn Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế chỉ có một phòng thí nghiệm và một văn phòng. Phòng thí nghiệm ở đây chủ yếu là các thiết bị điện, điện tử; trong khi ở Hàn Quốc là tế bào, hóa sinh, nano… Tôi thực sự lo lắng cho sự trở về: Liệu sẽ làm được gì khi nền tảng chỉ có vậy? Nhưng tôi lại tự động viên: Việc chưa ai làm, những gì trong nước chưa có thì mới cần những người như tôi dấn thân trở về. Nếu chúng tôi không làm thì ai sẽ làm, lấy gì để lại cho thế hệ sau?" - chị nhớ lại.

Đến nay, phòng thí nghiệm Y học tái tạo của Khoa Kỹ thuật Y Sinh đã công bố hơn 100 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực tái tạo da và xương, đang phát triển các sản phẩm có thể thương mại hóa được trong hai lĩnh vực này để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đất nước

Đến thời điểm này, Nguyễn Thị Hiệp cũng đã nhận được nhiều giải thưởng xứng đáng cho tâm huyết, nỗ lực tìm tòi của mình, trong đó có Giải thưởng sáng tạo TPHCM 2019, Giải thưởng quốc tế L’Oréal-UNESCO cho Nhà khoa học nữ trẻ tài năng của thế giới năm 2018, Giải thưởng khoa học ASEAN- Hoa Kỳ dành cho phụ nữ năm 2016; Tạp chí Asian Scientist vinh danh là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019 nhờ có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh…

PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp tâm sự, hiện nay, đa số các bạn trẻ chỉ chú trọng chọn ngành nghề sao cho dễ tìm kiếm việc làm hay có thu nhập cao mà chưa chú trọng lĩnh vực khoa học - công nghệ. Trong khi đó, khoa học - công nghệ là sức mạnh quan trọng của mỗi quốc gia. Bằng thành công của mình, chị hy vọng có thể góp phần truyền thêm niềm tin, động lực cho các bạn trẻ làm nghiên cứu khoa học: phải tự nghiên cứu, khám phá và làm chủ nó.

Bài 3: Những tấm gương tự học và sáng tạo ảnh 7

Những thành công của các nhà khoa học là ánh hào quang mà ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng đằng sau đó là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, gian truân, mà nếu không thực sự có đam mê, ý chí, tinh thần phụng sự, cống hiến… thì không dễ ai cũng đeo đuổi được.

PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp tâm sự: Bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học, phụ nữ gặp khó khăn và thiệt thòi hơn nam giới rất nhiều. Để trở thành một nhà khoa học, người phụ nữ phải cùng một lúc phải dung hòa được cuộc sống gia đình vừa phải phấn đấu trong sự nghiệp.

Nhưng với PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp, không còn ranh giới giữa nam giới và nữ giới, chỉ cần có đam mê và nhiệt huyết, nữ giới vẫn có thể vượt qua mọi khó khăn để làm tốt tất cả mọi vai trò, mọi công việc, đạt tới đỉnh cao sáng tạo, đem hết tâm huyết và tài năng mà phục vụ đất nước. 

Bài 3: Những tấm gương tự học và sáng tạo ảnh 8

Lê Văn Biên, sinh năm 1981, hiện là công nhân khai thác mỏ hầm lò bậc 5/5, Phân xưởng Khai thác 11, Công ty Than Thống Nhất, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một tấm gương điển hình về tinh thần tự học hỏi, sáng tạo, hết mình vi sự nghiệp chung.

Sinh ra và lớn lên tại xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương trong một gia đình làm nông nghiệp thuần túy. Cũng như nhiều thanh niên nông thôn khác, nhà Biên nghèo, học hành không đầy đủ, năm 2004, người thanh niên ấy rời xa quê hương ra Quảng Ninh học và làm thợ khai thác than hầm.

Lê Văn Biên chỉ có tấm bằng trung cấp nghề khai thác mỏ nhưng với tố chất thông minh và ham học hỏi, đã đi những bước thật chậm nhưng cũng thật vững chắc và ý nghĩa: từ một công nhân mới, tay nghề còn non trẻ thành người thợ chính, thợ bậc cao, trở thành nòng cốt, tiên phong để quy tụ anh em đồng nghiệp.

“Truyền thống người thợ mỏ là kỷ luật và đồng tâm, đoàn kết, đồng lòng, làm việc tích cực, lao động an toàn để có thu nhập cao”, Lê Văn Biên chia sẻ. Với tâm niệm đơn giản đó, Biên luôn nhận nhiệm vụ thợ chính trong ca. “Tôi thường xuyên phối hợp kiểm tra điện sản xuất trước khi vào ca, trong quá trình làm việc thường xuyên theo dõi, nắm bắt các nguy cơ có thể gây sự cố để có biện pháp khắc phục triệt để và ứng cứu kịp thời, đảm bảo an toàn cho người, máy móc thiết bị. Nhờ đó cho đến nay, tổ sản xuất nơi tôi công tác không có trường hợp nào vi phạm quy trình, quy phạm, biện pháp kỹ thuật an toàn”, Biên phấn khởi chia sẻ.

Không ngại khó khăn, vất vả, Biên luôn xung phong đảm nhận những nội dung công việc phức tạp nhất. Biên cũng luôn tận tụy, tận tâm, tìm tòi học hỏi để đưa ra các sáng kiến lao động. 

Bài 3: Những tấm gương tự học và sáng tạo ảnh 9
Những sáng kiến của anh công nhân mỏ đã giúp Lò chợ của Phân xưởng Khai thác 11 trong 3 năm liên tục đạt năng suất kỷ lục ngành than - khoáng sản, được TKV tặng Cờ thi đua năng suất dẫn đầu Tập đoàn.
Làm lợi cho tập thể, Biên cũng đạt lợi ích cá nhân xuất sắc. Trong 4 năm liền (từ năm 2016-2019), Biên đạt thu nhập trên 300 triệu/năm, được TKV  tuyên dương “thợ lò có thu nhập cao hàng năm”.

Biên chia sẻ, những người thợ mỏ hiểu được rằng “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc” phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức, rất cần những người thợ trung kiên, đủ tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp và sức khỏe. Với Biên, ai ở ngành nghề, vị trí  nào cũng đều có thể đóng góp giá trị bản thân cho đất nước.

Bài 3: Những tấm gương tự học và sáng tạo ảnh 10

Tin cùng chuyên mục