Bác sĩ yêu cầu mua biệt dược, quỹ BHYT có chi trả không?

Bố tôi là thương binh, cách đây 8 năm bố tôi phát hiện bị bệnh viêm gan B mạn tính, điều trị bằng biệt dược, hàng năm phải bỏ tiền túi tự mua 1 - 3 tháng thuốc bên ngoài, do bác sĩ gợi ý trong bệnh viện không có thuốc nên người bệnh phải tự túc. Tôi xin hỏi, điều này có đúng với quy định không? Nếu bố tôi mua thuốc ngoài thì bảo hiểm y tế (BHYT) có thanh toán không? Ông ĐINH THANH TÙNG, quận Phú Nhuận, TPHCM.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM PHAN VĂN MẾN: Nhiều năm qua, các thuốc có trong danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT ban hành tại các thông tư của Bộ Y tế đã đảm bảo đáp ứng được yêu cầu điều trị, bao gồm cả thuốc chống virus viêm gan B. Đồng thời, các thông tư cũng quy định cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị; bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh BHYT theo danh mục thuốc đã xây dựng, không để người bệnh phải tự mua. Vì vậy, việc bác sĩ gợi ý trong bệnh viện hiện không có thuốc nên người bệnh BHYT phải mua tự túc là chưa đúng quy định. BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Y tế xin ý kiến về việc giải quyết đối với các trường hợp người bệnh phải tự túc mua thuốc khi khám bệnh BHYT, tuy nhiên đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn về việc này.

Anh trai tôi (40 tuổi) được cấp thẻ BHYT dành cho người khuyết tật nặng. Anh tôi muốn thay 2 bên khớp háng thì có được BHYT chi trả không? Ông NGUYỄN QUANG, nguyenquanghien…@ gmail.com 

Theo thông tin ông cung cấp và căn cứ quy định tại Nghị định  146/2018, tại Điều 44 Luật Người khuyết tật, thì anh trai của ông thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, được ngân sách nhà nước đóng BHYT và có mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng quy định (khám chữa bệnh đúng tuyến, xuất trình đủ thủ tục). Việc khám chữa bệnh có áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo đó, khớp háng toàn phần hoặc bán phần được quỹ BHYT thanh toán theo số lượng vật tư y tế thực tế sử dụng cho người bệnh, theo giá mua vào của cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thấu và không cao hơn mức giá tương ứng là 45 triệu đồng/bộ khớp háng toàn phần, hoặc 35 triệu đồng/bộ khớp háng bán phần. Như vậy, trường hợp anh trai của ông đi khám chữa bệnh BHYT đúng quy định, được bác sĩ chỉ định thay khớp háng sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, khớp háng thay thế, thuốc, hóa chất… trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định hiện hành.

Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 151185, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục