Bác sĩ Đoàn Thúy Ba, người khao khát đổi mới

Thật bất ngờ khi biết tin cô mất qua Báo SGGP, vội đến để kịp tiễn biệt cô. Trong dòng người đến viếng có nhiều thầy thuốc thuộc nhiều thế hệ, không ít người cùng thời với cô. Đứng bên cạnh linh cữu, người cháu nội trai rưng rưng nói, bà của con đã ra đi thanh thản.
Đồng chí Võ Văn Thưởng (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư) thăm hỏi Bác sĩ Đoàn Thúy Ba, tháng 2-2020
Đồng chí Võ Văn Thưởng (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư) thăm hỏi Bác sĩ Đoàn Thúy Ba, tháng 2-2020

Cô Đoàn Thúy Ba thuộc thế hệ những người thầy thuốc cách mạng, giỏi chuyên môn, có tấm lòng, có uy tín, có nét đẹp chân phương, giản dị, được quý trọng không chỉ với những người trong ngành.

Cô Ba sinh năm 1930 ở An Thới, Mỏ Cày, Bến Tre, tên thật là Đoàn Hồng Hoa. Lúc nhỏ, cô tham gia phục vụ kháng chiến, đến năm 1947 thoát ly, đi học y tá do Sở Y tế Nam bộ mở, sau khóa học về công tác ở Quân y viện Trung đoàn 99. Cô lập gia đình với một đại đội trưởng Vệ quốc đoàn. Khi sinh con mới được 2 tháng, cô nghe tin chồng hy sinh trong một trận chống càn. Do điều kiện hoạt động, cô phải gửi con cho bà nội nuôi khi bé chưa đầy 3 tuổi. Sau Hiệp định Genève 1954, cô được ra Bắc học y sĩ và làm việc ở đoàn chuyên gia Liên Xô rồi Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng…

Cô Ba là người phụ nữ làm công tác y tế đầu tiên vượt Trường Sơn trở về Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ. Trước khi đi, cô đã học chuyên tu cấp tốc và nhận bằng bác sĩ năm 1962. Việc này nằm trong kế hoạch đưa cán bộ về Nam theo yêu cầu chiến trường của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Tiễn các bác sĩ lên đường hôm ấy, BS Phạm Ngọc Thạch đã tự lái ô tô đến trạm cuối cùng trên đất Bắc, đã dành trọn một đêm để trò chuyện, dặn dò. Đoàn cán bộ y tế mất 6 tháng đi đường mới tới Trung ương Cục miền Nam. 

Về Nam, bác sĩ Đoàn Thúy Ba bắt tay củng cố công tác y tế ở Bến Tre, mở các lớp đào tạo cán bộ y tế, tổ chức công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Năm 1965, cô được phân công phụ trách Bệnh viện Hoàng Lê Kha tại căn cứ Tây Ninh. Đây là bệnh viện đa khoa, mặc dù còn thiếu thốn nhưng cũng có phòng điện quang, phòng mổ, phòng xét nghiệm… Ở đây, nhiều nhà báo nước ngoài như Madeleine Riffaud (Pháp), Burchett (Úc), Valensa (Ba Lan), diễn viên phản chiến Jane Fonda (Mỹ)... đã đến thăm và rất có ấn tượng về những chiếc áo trắng trong rừng xanh. Bệnh viện đã chữa trị cho hàng ngàn bệnh nhân, tỷ lệ tử vong rất thấp nhưng có 2 lần bị bom và nhiều lần phải di chuyển, cũng không tránh những thiệt hại đáng tiếc. Có lần, cô được tham gia đoàn đại biểu sang dự hội nghị 3 nước Đông Dương ở Phnom Penh, gặp Hoàng thân Norodom Sihanouk, trực tiếp trao đổi bằng tiếng Pháp với ông. Ông rất ngưỡng mộ về phong cách của cô. Sau Hiệp định Paris 1973, bác sĩ Đoàn Thúy Ba ra Bắc, đi Liên Xô dự hội nghị và học thêm về chuyên môn. 

Sau ngày giải phóng, cô công tác ở Bệnh viện Thống Nhất, có thời gian đi học quản lý ở Hà Lan, rồi về làm Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ở đây, cô đã thí điểm làm phòng khám ngoài giờ, tổ chức căn tin trong bệnh viện để có thêm kinh phí thuê người chăm sóc bệnh nhân và làm vệ sinh trong bệnh viện. Tiếp đó, thí điểm thu một phần viện phí đối với những yêu cầu điều trị cao của chuyên gia, bệnh nhân nước ngoài có khả năng chi trả. 

Năm 1985, cô Đoàn Thúy Ba được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế. Cô là người luôn ủng hộ cái mới nên đã góp phần tháo gỡ khó khăn rất nhiều cho ngành y tế. Cô thật sự là cầu nối, tạo sự gắn bó giữa bệnh viện trung ương và thành phố, giữa các bệnh viện trung ương với nhau. Năm 1997, cô được tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, và năm 2000 được phong Anh hùng Lao động.

Bác sĩ Đoàn Thúy Ba được từ các đồng chí lãnh đạo đến cấp dưới quý mến bởi sự tận tụy và hết lòng. Đó là sự chăm lo chu đáo cho bệnh nhân, cho đồng chí, đồng đội, cho những người có hoàn cảnh khó khăn nhất là trong những năm đầu giải phóng.

Cô Đoàn Thúy Ba là người có khả năng tập hợp không chỉ ở kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, tầm nhìn và sự khát khao đổi mới mà còn ở tấm lòng, tình thương yêu của một con người có trái tim nhân hậu mà khi gần, ta có cảm giác ấm áp, gần gũi như người thân trong gia đình.

Những năm về hưu, cô vẫn giữ thói quen đọc sách, báo và cập nhật tin tức thời sự hàng ngày - có ghi chép và cất giữ những tư liệu cần thiết, giữ thói quen đi bộ và luyện tập phù hợp. Có lẽ chính vì thế mà cô thường có những góp ý sắc sảo và luôn giữ được phong độ.  

Tiếp xúc với cô, điều ghi nhận được là hầu như những quan tâm, lo nghĩ thường trực của cô không gì hơn là phải đổi mới nhiều hơn nữa trong lĩnh vực y tế. Cô cho rằng, đổi mới lần này khó hơn trước, cả về cơ chế chính sách và quản trị bệnh viện… Phải quan tâm đào tạo đội ngũ những nhà quản trị bệnh viện chuyên nghiệp, cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất… Lãnh đạo thành phố và trung ương cần lắng nghe và có giải pháp khả thi để dịch vụ y tế phát triển, đáp ứng yêu cầu phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Chứng kiến trận đại dịch Covid-19 vừa qua, những trăn trở này của cô càng thêm lớn.

Giờ thì cô Đoàn Thúy Ba đã ra đi mãi mãi nhưng hình ảnh người phụ nữ Bến Tre kiên trung, hiền dịu, vừa đẹp người, vừa đẹp về phẩm cách như cô vẫn còn ở lại mãi trong tâm tưởng mọi người.

Tin cùng chuyên mục