Bà Rịa - Vũng Tàu: Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản xuất khẩu

Đã tròn 5 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra “thẻ vàng” cảnh báo đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, bằng sự vào cuộc của hệ thống chính trị, tình hình khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Và tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thủ phủ nghề cá của vùng Đông Nam bộ, công tác phòng chống IUU đã được thực hiện quyết liệt, cho nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Sơ chế hải sản tại cảng cá Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Sơ chế hải sản tại cảng cá Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Kiên quyết chống khai thác trái phép

Với hơn 5.400 phương tiện khai thác hải sản, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong 28 tỉnh, thành ven biển có đội tàu cá thuộc loại lớn trong cả nước. Không những trở thành chiếc cần câu cơm của nhiều thế hệ, nghề săn lộc biển còn góp phần hình thành nên những làng chài trù phú dọc theo bờ biển kéo dài từ TP Vũng Tàu qua thị trấn Long Hải và mở rộng cho đến tận huyện Xuyên Mộc. Thế nhưng, theo thời gian, số lượng tàu cá tăng chóng mặt dẫn đến tình trạng nguồn lợi hải sản bị suy kiệt nghiêm trọng cộng với áp lực trả nợ, khiến nhiều chủ tàu cố tình đưa tàu đi khai thác trái phép.

Những năm 2018 trở về trước, Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra hàng chục vụ và hàng trăm thuyền bị phía nước ngoài bắt giữ vì khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong khi đó, tỉnh lại có hơn 1.400 phương tiện hành nghề giã cào, chiếm tới 50% trong đội tàu khai thác xa bờ và thuộc nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU. Trước thực trạng cấp bách trên, ngày 10-10-2018, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU về thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 12/NQ-TU đã đề ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh như thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU, chỉ đạo lực lượng công an, biên phòng điều tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, lên hàng tại các cảng và hướng dẫn ghi chép nhật ký khai thác cho ngư dân theo đúng quy định. Đến nay, trên 96% tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh đã hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, số còn lại đang nằm bờ sửa chữa hoặc chưa lắp đặt thiết bị thì cương quyết không cho xuất bến đi đánh bắt.

Ông Nguyễn Văn Bi, Trưởng phòng Quản lý khai thác, Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay, ngoài việc cắt cử cán bộ theo dõi tàu cá qua hệ thống giám sát hình trình, tại 6 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá ở các cảng, lực lượng thanh tra, biên phòng và quản lý cảng cũng thường xuyên tiếp cận để hướng dẫn bà con ngư dân khắc phục các tồn tại trong hoạt động khai thác hải sản. Với sự nỗ lực không ngừng, số vụ đánh bắt trái phép đã giảm đáng kể, trong đó, riêng từ đầu năm 2022 tới nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 4 vụ với 8 tàu, có 63 thuyền viên bị phía nước ngoài bắt giữ.

Phối hợp trong bờ, ngoài biển

Dù vậy, việc chống khai thác IUU của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang đối mặt một số khó khăn nhất định như thiếu nhân lực giám sát, chất lượng của nhiều thiết bị giám sát hành trình chưa ổn định; việc quản lý các tàu vãng lai của tỉnh khác còn nhiều bất cập nên cần có sự phối hợp của các địa phương, các ngành, lực lượng để góp phần gỡ “thẻ vàng” thủy sản xuất khẩu đạt hiệu quả cao hơn. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động thực hiện ký kết quy chế phối hợp với các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre để chống khai thác IUU và ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng như Vùng 2 Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng để vừa có thể giám sát cả trong bờ lẫn ngoài biển.

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật biển đảo, Luật Thủy sản và các khuyến cáo IUU cho bà con ngư dân. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp đã tổ chức các lớp tập huấn với hàng ngàn lượt ngư dân tham dự; thực hiện in ấn, cấp phát hơn 10.000 sổ nhật ký theo từng loại nghề khai thác; phát tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU cho các chủ tàu, thuyền trưởng, tập trung tại các địa bàn trọng điểm thường xuyên có tàu cá, ngư dân vi phạm tại huyện Long Điền, Đất Đỏ và TP Vũng Tàu.

Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, về lâu dài, cần thực hiện chính sách chuyển đổi nghề, cơ cấu lại đội ngũ tàu để giảm cường lực khai thác ở vùng khơi nhằm khôi phục lại các nguồn lợi thủy sản. Đây là cơ sở để hoạt động khai thác thủy sản của bà con ngư dân thực hiện tốt hơn trong tương lai; giảm bớt tình trạng vì lợi ích mà ngư dân bất chấp, đưa tàu đi đánh bắt trái phép. Ngoài ra, tỉnh cũng đang hoàn thiện đề án nuôi biển, sắp xếp mô hình nuôi trồng thủy sản trên các sông theo đúng quy hoạch để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững.

Tin cùng chuyên mục