Australia đau đầu giải bài toán khó

Kể từ đầu năm nay, cho dù Australia đã mở cửa trở lại với thế giới sau thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19, số lượng lao động nước ngoài nhập cảnh vào nước này vẫn rất ít. So với một thập niên trước, số lượng lao động lành nghề nước ngoài hiện có tại Australia đã suy giảm một nửa.

Các số liệu chính thức của Australia chỉ ra rằng, trong tháng 4 vừa qua, số lượng lao động nước ngoài có tay nghề cao rời Australia đã vượt quá số lượng lao động tay nghề cao mới đến nước này. Theo đó, có 8.970 lao động nước ngoài có tay nghề cao đến Australia, nhưng 9.230 người đã rời khỏi nước này.

Australia thiếu hụt lao động lành nghề ở nhiều lĩnh vực. Ảnh: India Times
Bên cạnh đó, số lượng người có thị thực bắc cầu (những người đang ở Australia nhưng đã hết hạn thị thực cũ và đang trong quá trình chờ được cấp thị thực mới) đã tăng lên trên 300.000 người trong vòng một thập niên qua. Đây là thước đo cho thấy số người đang ở giai đoạn chờ cấp thị thực tăng lên, đồng nghĩa với việc quá trình xử lý hồ sơ kéo dài hơn. 

Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Australia (Austrade) Andrew McKellar cho biết, các nhà tuyển dụng đang báo cáo về những rào cản đáng kể trong việc tìm kiếm lao động nước ngoài có tay nghề cao. Ông McKellar lưu ý, sự chậm trễ trong việc cấp thị thực cho lao động nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp nội địa buộc phải đóng cửa vì không đủ nhân viên, và do đó không có khả năng duy trì hoạt động.

Bên cạnh đó, vấn đề chi phí thị thực quá tốn kém cũng khiến nhiều doanh nghiệp Australia phàn nàn. Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Australia Innes Willox cho biết, các nhà tuyển dụng có thể phải trả tới 25.000 AUD (17.500 USD) để nhận được thị thực cho một công nhân lành nghề nước ngoài. Khoản chi phí này lớn hơn gấp đôi so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt lao động địa phương, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn phải chi trả khoản tiền nói trên để có thể tuyển dụng được lao động nước ngoài.

Dự kiến, vào tháng 9 tới, Australia sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc để bàn thảo và thông qua Sách Trắng về phát triển kỹ năng lao động, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt người lao động lành nghề. Bộ trưởng Kỹ năng và Đào tạo Australia Brendan O’Connor mới đây khẳng định, Canberra sẽ thực hiện cam kết thúc đẩy năng suất kinh tế của nước này bằng cách đầu tư vào tất cả các khu vực của thị trường lao động đang bị thiếu hụt kỹ năng.

Theo ông, điều quan trọng là phải đầu tư hiệu quả để có một lực lượng lao động có tay nghề cao giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời mang lại các cơ hội việc làm tốt hơn cho người lao động. Các ưu tiên trong việc giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng sẽ bao gồm thúc đẩy cơ hội cho những người học nghề, hỗ trợ năng lượng sạch và các ngành sản xuất, đồng thời thành lập một cơ quan tư vấn cho chính phủ về việc làm và kỹ năng nghề.

Giới chuyên gia đưa ra nhiều đề xuất thu hút lao động có tay nghề cao, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia, tiến sĩ Omar Khorshid, cho biết, lĩnh vực y khoa đang thiếu hàng ngàn nhân viên y tế nên chính phủ cần khuyến khích lao động nhập cư tay nghề cao như một giải pháp ngắn hạn, bằng cách giảm hoặc xóa bỏ phí cấp thị thực và trợ cấp tiền bảo hiểm y tế.

Ông Khorsid cũng kêu gọi tạm hoãn chính sách yêu cầu các nhà tuyển dụng ưu tiên tuyển dụng lao động trong nước trước khi thuê lao động từ nước ngoài. Bà Jennifer Westacott, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Australia, cho rằng, Australia cần thu hút thêm nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động, đồng thời tạo điều kiên thuận lợi hơn cho việc định cư lâu dài cho người lao động nước ngoài…

Tin cùng chuyên mục